Bộ trưởng Giáo dục: 'Không đánh giá giáo viên theo thành tích của học sinh'
Thừa nhận thực tế nhiều cơ sở giáo dục còn chạy đua thành tích hơn chất lượng đào tạo, Bộ trưởng Giáo dục Phạm Vũ Luận khẳng định, sẽ xử lý vấn đề tận gốc: chuyển nền giáo dục từ kiến thức một chiều sang phát triển năng lực học sinh.
Mở đầu phiên trả lời chất vấn sáng 11/6, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận cho biết, Bộ nhận được 19 câu hỏi, trong đó một nội dung liên quan Bộ Lao động. 18 câu tập trung 7 nhóm vấn đề: đào tạo, tuyển sinh, sinh viên thất nghiệp, quyết toán ngân sách giáo dục đại học, giáo dục đạo đức lối sống, thi tốt nghiệp THPT, đăng ký môn Lịch sử, đổi mới chương trình và SGK.
Bộ trưởng Luận giải trình, quá trình triển khai đổi mới có những thay đổi thi cử dẫn đến thay đổi dạy và học. Thi tốt nghiệp vừa rồi đã có những thay đổi căn bản. Trước đây là kiểm tra học thuộc, nay là kiểm tra cách vận dụng. Từ một bài học sang tổng hợp, từ kiến thức chính trị sang kiến thức công dân... Học sinh, phụ huynh, thầy cô đã hình dung cần thay đổi, chuyển từ việc dạy truyền thụ kiến thức sang dạy kỹ năng.
"Trong từng giai đoạn cần thiết kế nội dung trước, nhưng quá trình chỉ đạo có thể đổi mới thi trước", ông nói.
Trước quy định mới liên quan đến điểm sàn thi đại học, Đại biểu Nguyễn Thanh Thúy chất vấn: Việc xóa bỏ điểm sàn có nhằm giải quyết tình trạng nhiều trường thừa chỉ tiêu nhưng thiếu sinh viên?
"Chúng tôi không bỏ điểm sàn" Bộ trưởng khẳng định. Theo ông, điểm sàn không quyết định chất lượng tuyển sinh, mà chỉ là mức đánh giá năng lực cần có để học đại học. Việc giao chỉ tiêu tuyển sinh cho các trường là căn cứ vào số lượng giảng viên cơ hữu thực có và diện tích của nhà trường. "Chỉ tiêu phụ thuộc hai yếu tố này chứ không phải điểm sàn", Bộ trưởng nhấn mạnh và cho biết, Bộ vẫn có Hội đồng điểm sàn, tư vấn cho Bộ các mức trên cơ sở chất lượng, kết quả kỳ thi tuyển sinh.
Vấn đề không đọc thông viết thạo vẫn được lên lớp, Bộ trưởng thừa nhận đây là một tồn tại liên quan đến bệnh thành tích, liên quan đến việc đánh giá thầy cô, chất lượng giáo dục.
"Chúng tôi đã loại bỏ các quy định đánh giá giáo viên, cơ sở giáo dục dựa vào thành tích học tập của học sinh". Ở những nơi còn tồn tại vấn đề này, Bộ trưởng cam kết sẽ tiếp tục khắc phục. Theo ông, khi chuyển được nền giáo dục đang nặng kiến thức một chiều sang phát triển năng lực học sinh, vấn đề này sẽ được xử lý tận gốc.
Ông cho biết thêm, ở tiểu học đã triển khai chương trình giáo dục tiếng Việt công nghệ mới ở 40 tỉnh, đảm bảo hết lớp một viết được chữ, hết lớp ba viết đúng chính tả và học sinh học chương trình này sẽ không tái mù chữ.
Đại biểu Đàm Thị Mỹ Hương băn khoăn vấn đề học lệch nếu để học sinh tự chọn môn thi tốt nghiệp. Phân tích thực trạng này, người đứng đầu ngành giáo dục cho rằng, học sinh có tâm lý đầu tư chú trọng những môn thi THPT và thi ĐH dẫn đến việc học đối phó với các môn không thi. Từ thực tế đó, Bộ đã có những thay đổi.
"Bộ kết hợp đánh giá cả quá trình học tập với kết quả thi: Xét tốt nghiệp bằng kết quả học tập cả năm lớp 12 và kết quả thi tốt nghiệp 4 môn", ông nói. Bên cạnh Toán, Văn là thi bắt buộc, bộ để 2 môn cho học sinh tự chọn. Theo Bộ trưởng, đây là cách làm vừa chú trọng giáo dục toàn diện, vừa tôn trọng năng lực, sở trường của học sinh.
"Năm nay, lần đầu tiên xuất hiện những hội đồng thi chỉ một thí sinh. Đây là biểu hiện quá trình dạy và học đã thay đổi. Từ chỗ dạy cho số đông sang phát triển năng lực cho từng học sinh. Trước đây, cô thường trả lời "tôi dạy một lớp 40 cháu", nay cô sẽ trả lời "tôi dạy 40 cháu", ông Luận dẫn chứng.
Việc tiêu cực trong thi cử ở Trung tâm Giáo dục thường xuyên Thanh Hóa cũng đã được đại biểu Quốc hội nêu ra trước nghị trường. Cho rằng,việc này thẩm quyền xử lý thuộc tỉnh, tuy nhiên, Bộ trưởng cũng nêu ra nhiều giải pháp. Việc đầu tiên là hướng cách dạy, học, thi sang đánh giá năng lực để học sinh không cần phải gian lận. Kỳ thi tốt nghiệp vừa rồi được dư luận đánh giá là có thay đổi nhiều về mặt ý thức. Trước đây phao thi rải trắng sân trường thì vừa rồi không còn nữa dù chưa triệt để.
Về đề án Ngoại ngữ, đại biểu chất vấn Thủ tướng đã phê duyệt chủ trương nâng cao năng lực ngoại ngữ nhưng tại sao Bộ lại cho là môn thi tự chọn. Bộ trưởng cho biết, kết quả khảo sát trên cả nước cho thấy, cách dạy, cách học, cách thi Ngoại ngữ của Việt Nam không giống ai trên thế giới. "Học hết phổ thông cũng không giao tiếp được, người ta nói cũng không hiểu", ông nói. Từ thực tế này, Bộ trưởng khẳng định, sẽ đào tạo lại giáo viên kết hợp với điều chỉnh sách giáo khoa.
"Đầu tiên phải cân chỉnh, thay đổi cách dạy, cách học để đúng hướng thì mới tăng tốc. Lúc đó chúng ta bắt buộc thi ngoại ngữ".
Trước câu hỏi chất vấn, tại sao học sinh càng học cao thì hạnh kiểm càng thấp, Bộ trưởng Luận cho rằng, bậc học cao thì hạnh kiểm còn phải phụ thuộc vào kết quả học tập. Quá trình học tập là tu dưỡng cả về đạo đức và kiến thức. Học sinh phải vừa hồng vừa chuyên. "Học sinh hạnh kiểm tốt thì không thể học kém", Bộ trưởng nêu quan điểm.
Đại biểu Thân Đức Nam yêu cầu Bộ trưởng trả lời nguyên nhân 72.000 cử nhân thất nghiệp. Bộ trưởng Luận phân tích, Bộ Giáo dục và các trường nằm ở phần cung của thị trường lao động.
Nội dung thi cử, tổ chức đào tạo của các trường xuất phát từ khả năng mình có. Quy trình mở trường chưa chặt chẽ, chưa chú trọng đến nhu cầu địa phương. Chương trình đào tạo chưa theo kịp thế giới, chưa chú trọng kỹ năng mềm, khả năng làm việc nhóm, ngoại ngữ... Những yếu kém đó dẫn đến quy mô tuyển sinh tăng trong khi chất lượng chưa được chú trọng. "Bộ và cơ sở đào tạo có trách nhiệm chính trong những yếu kém nói trên", người đứng đầu ngành giáo dục thẳng thắn.
Chủ tịch Quốc hội nêu 4 yêu cầu với Bộ Giáo dục Kết thúc phiên chất vấn Bộ trưởng GD&ĐT, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết, có 21 đại biểu trực tiếp chất vấn Bộ trưởng Phạm Vũ Luận. Tất cả câu hỏi gửi tới bộ trưởng trước ngày chất vấn đã được trả lời. Hoan nghênh nỗ lực của ngành Giáo dục, Chủ tịch Quốc hội đưa ra 4 yêu cầu với ngành Giáo dục. Trước hết, Bộ trưởng Giáo dục căn cứ tình hình thực tế xây dựng báo cáo toàn diện về việc triển kha Đề án đổi mới căn bản toàn diện giáo dục, đào tạo. Quốc hội sẽ xem xét báo cáo, nếu cần sẽ thảo luận một lần nữa về công tác tổ chức thực hiện quốc sách giáo dục hàng đầu này vào kỳ họp cuối năm. Thứ hai, Bộ trưởng gấp rút phối hợp chặt chẽ với Bộ Lao động, tiếp thu hoàn thiện sửa đổi Luật Dạy nghề - nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị đổi tên là Luật Giáo dục nghề nghiệp, trình sửa đổi vào cuối năm, đây là nội dung quan trọng để thực hiện Nghị quyết của Đảng, đáp ứng lòng mong đợi của nhân dân. Thứ ba, Bộ Giáo dục khẩn trương sửa đổi Luật Giáo dục theo đúng chương trình xây dựng pháp luật Quốc hội đã thông qua. "Bộ Giáo dục cần tiếp tục tiếp thu và hoàn chỉnh Đề án đổi mới chương trình, SGK để trình Quốc hội xem xét vào cuối năm nay, làm sao để sau năm 2021 có thể hoàn thiện được bộ sách giáo khoa và chương trình giáo dục mới", Chủ tịch Quốc hội đề nghị. |
Hoàng Thùy
2451