Giáo dục đạo đức học sinh: Lý thuyết và thực tế còn bất cập

 

Tuy nhiên, đối chiếu với mục tiêu đào tạo vẫn có những cách biệt vì nội dung chương trình chưa đáp ứng được mục tiêu đề ra, nhất là giữa thực tế và lý thuyết đang có những bất cập. Bên cạnh đó, nội dung chương trình vẫn dàn trải chưa làm nổi bật phẩm chất cốt lõi của nhân cách, chưa xây dựng được các mối liên quan mang tính hệ thống thúc đẩy quá trình hình thành nhân cách của trẻ thể hiện trong đời sống hàng ngày một cách thực chất và bền vững.

Một tiết mục văn nghệ trong Hội trại truyền thống 9-1 do Sở GD-ĐT TP.HCM vừa tổ chức tại Sân vận động Hoa Lư (Q.1). Đây là một hoạt động thiết thực nhằm giáo dục học sinh yêu quê hương, yêu Tổ quốc. Ảnh: N.Anh
Học sinh không thiếu lòng trung thực và tinh thần nhân ái, quan trọng là cách giáo dục của chúng ta để khơi gợi được những phẩm chất tốt đẹp đó.

Nhìn vào thực tế, phương pháp dạy học hiện nay chủ yếu thuyết giảng, học sinh ghi chép và thuộc lòng theo SGK là phổ biến. Có thể thấy, giáo viên bộ môn đạo đức chưa hẳn đã phân biệt được cách dạy so với các môn học khác. Dù đã được các cấp quản lý chỉ đạo nhưng làn gió đổi mới phương pháp dạy học chuyển biến còn chậm. Việc thực hiện phương pháp dạy học mới chỉ mang tính cá thể hay cục bộ vì phụ thuộc vào tâm huyết của người dạy hoặc trách nhiệm của từng cán bộ quản lý đơn vị. Thiết chế tổ chức nhà trường và phương thức thi cử đánh giá chưa thay đổi cũng là nguyên nhân làm trở ngại quá trình đổi mới phương pháp dạy học của giáo viên.

Nội dung giáo dục đạo đức thông qua các hoạt động ngoại khóa tuy đa dạng, phong phú nhưng chưa bài bản, chưa mang tính hệ thống và phù hợp với từng lứa tuổi học sinh. 

Về kiểm tra đánh giá, tuy đã có tác động đến quá trình giáo dục của nhà trường, thúc đẩy học sinh học tập rèn luyện nhưng về mặt hiệu quả vẫn có những giới hạn rất cơ bản như chưa thường xuyên và nhất quán trong suốt quá trình đào tạo, chưa bám sát mục tiêu đào tạo, chưa kết hợp chặt chẽ giữa lý thuyết và thực hành. Đặc biệt còn bị ảnh hưởng nặng nề từ cách nhìn chủ quan và cảm tính của người đánh giá làm cho tính thuyết phục không cao, tính giáo dục chưa thật sự hiệu quả. Không chỉ đánh giá cuối năm học mà gắn liền với quá trình dạy học thông qua kỹ năng đánh giá và hệ thống quản lý chung. Khi đánh giá phải có nội dung rõ ràng và cách đánh giá cụ thể. Cần hiểu rằng, phương pháp dạy học tiến bộ ngày nay là cá thể hóa, tổ chức cho học sinh hoạt động trải nghiệm để trưởng thành. Thông qua đó, nhận xét đánh giá từng học sinh trong quá trình dạy học. Tuy nhiên, thực hiện yêu cầu hiện đại ấy trong điều kiện lớp có nhiều học sinh và học sinh có quá ít thời gian để hoạt động theo thiết chế tổ chức nhà trường cũ là những khó khăn mà công cuộc đổi mới rất khó vượt qua. Hình thức chấm chéo giữa các trường cũng là câu chuyện cho thấy chúng ta vẫn chưa tin tưởng lẫn nhau. Phải giáo dục lòng trung thực từ trong nhà trường để ra ngoài xã hội các em mới trở thành một công dân tốt.

Bên cạnh đó vẫn còn những tồn tại về giáo dục đạo đức theo kiểu nói nhiều làm ít, chú tâm vào thành tích coi trọng tỷ lệ thi tốt nghiệp nhiều hơn giáo dục đạo đức. Chúng tôi thường nói, muốn giáo dục đạo đức phải biết đạo đức bắt nguồn từ đâu, bản chất là gì chứ không thể hô khẩu hiệu hay nói chung chung. Đạo đức của học sinh không phải từ lý thuyết áp đặt mà phải đi ra từ trải nghiệm và cảm xúc. Có thể coi tình thương, lòng nhân ái và trách nhiệm là cội rễ hình thành nên “cây” đạo đức. Xây dựng cho các em lòng tự trọng cũng xuất phát từ hai phẩm chất đó. Đạo đức của tuổi mầm non được “tượng hình” qua những câu chuyện kể, đến cấp tiểu học các em có quyền tranh luận và trải nghiệm. Trên lớp học, các nhóm tự giải quyết các vấn đề thực tế một cách sinh động trái ngược với lối học ngồi im lặng, chỉ biết ghi chép một cách thụ động. Nhờ sự tương tác mà các em được hình thành kỹ năng, cảm xúc, biết điều hay lẽ phải đấu tranh với những sai trái. Có như vậy giáo dục đạo đức trong nhà trường mới thành công dù ở cấp nào hay đối tượng nào.

TS. Huỳnh Công Minh
(nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM)

(Nguồn: http://www.giaoduc.edu.vn/giao-duc-dao-duc-hoc-sinh-ly-thuyet-va-thuc-te-con-bat-cap.htm)

2175

TIN GIÁO DỤC

Thuyết hành vi cổ điển của Palov (23-07-2016)

Giáo dục ngoài trời thúc đẩy sự phát triển của trẻ (23-07-2016)

10 kĩ năng đặt câu hỏi của giáo viên (04-06-2016)

Khi thầy dạy trò phản biện (15-05-2016)

Học tập qua dự án: Lược sử (14-04-2016)

Học tập chuyển hóa (18-03-2016)

Con trẻ vô tâm, vì sao? (31-01-2016)

Mỹ: dạy triết học cho trẻ từ 5 tuổi (31-01-2016)

Bí quyết dạy học của các giáo viên đoạt giải tại Mỹ (30-08-2015)

Sẽ hết câu chuyện “học gì thi nấy”? (24-06-2015)

Xem thêm ...