Học tập qua dự án: Lược sử
Dự án làm cho cả thế giới chuyển động. Trong hầu hết các công việc – cho dù đó là phóng một chiếc tàu con thoi, thiết kế một chiến dịch tiếp thị, tiến hành một thí nghiệm hoặc dàn dựng một triển lãm nghệ thuật – bạn đều có thể thấy một nhóm làm việc liên ngành kết hợp để hoàn thành công việc.
Khi dự án được tiếp cận trong phạm vi lớp học, người học có cơ hội được tham gia vào việc giải quyết các vấn đề thực của cuộc sống. Thay vì học về dinh dưỡng trong một bài viết tóm tắt, học sinh được đóng vai chuyên gia tư vấn để phát triển một thực đơn ăn uống lành mạnh cho trường. Thay vì học về quá khứ từ những trang sách giáo khoa, giờ đây học sinh được đóng vai thành những sử gia, ví như việc các em ghi chép những tư liệu về một sự kiện đã làm thay đổi công đồng của mình.
Đặc biệt khi học qua dự án có sự góp sức của công nghệ, nó được nhìn nhận như một ý tưởng của thế kỷ 21. Nhưng thực chất nó đã được xây dựng trên một nền tảng rất vững mạnh.
Nền tảng kiên cố
Khổng Tử và Aristotle đã sớm đề nghị học thông qua thực hành (learning by doing). Mô hình của Socrates về cách học thông qua việc hỏi, điều tra, và tư duy phản biện – tất cả những chiến lược đó vẫn còn rất phù hợp với lớp học PBL ngày nay. Gần hơn chúng ta có John Dewey, nhà triết học và lý luận giáo dục người Mỹ ở thế 20, người đã gióng lên hồi chuông tán thành việc học phải dựa trên kinh nghiệm và định hướng bởi sự thích thú của người học. Dewey đã thách thức quan điểm truyền thống về việc người học tiếp nhận tri thức một cách bị động (và giáo viên như một chiếc máy phát truyền đi những kiến thức “xơ cứng”). Ông đã đưa ra cách học dựa trên những kinh nghiệm tích cực để chuẩn bị cho người học biết cách học liên tục trước một thế giới nhiều đổi thay. Và Dewey chỉ ra, “giáo dục không phải là sự chuẩn bị cho cuộc sống, giáo dục là cuộc sống”.
Maria Montessori đã phát động một phong trào quốc tế trong thế kỷ 20 với các tiếp cận về việc học tập sớm trong thời thơ ấu. Bà chỉ ra thông qua các ví dụ rằng giáo dục không xảy ra “bằng cách lắng nghe lời nói mà bằng kinh nghiệm dựa vào môi trường”. Là một bác sỹ và một chuyên gia về phát triển trẻ em, bà đã tiên phong việc học từ môi trường để phát huy tiềm năng cá nhân, người học sẽ là những công dân thích nghi và những người giải quyết vấn đề.
Jean Piaget, một nhà tâm lý học phát triển người Thụy Sỹ, đã giúp cho chúng ta hiểu cách chúng ta tạo ra những tri thức có ý nghĩa từ kinh nghiệm ở những độ tuổi khác nhau như thế nào. Ông đã đặt nền móng cho cách tiếp cận kiến tạo trong giáo dục, ở đó cá nhân từng người học sẽ tự xây dựng nên những hiểu biết của mình bằng việc đặt câu hỏi, khám phá, tương tác với người khác và phản tỉnh từ kinh nghiệm đã có.
Học từ cuộc sống thực
Ngược lại với việc chỉ dạy lý thuyết suông, học thông qua giải quyết vấn đề (problem-based learning) nổi lên từ hơn nửa thế kỷ trước như một chiến lược giảng dạy thực hành trong y khoa, kỹ thuật, kinh tế và các ngành học khác. Với các tiếp cận này, người học được thách thức để giải quyết vấn đề hoặc làm một mô phỏng tương tự cuộc sống thực. Mặc dù vấn đề được xác định trước bởi người hướng dẫn, họ có xu hướng làm phức tạp hóa, thậm chí làm lộn xộn, và không thể giải quyết vấn đề với một “cách chuẩn” hoặc dễ-để-tìm ra câu trả lời. Đây là cách của sinh viên y khoa, họ sẽ được học chuẩn đoán và chữa trị cho bệnh nhân thực tế – điều họ không thể học được trên giảng đường. Không như các hướng dẫn được định hướng trong giáo trình, học dựa trên việc giải quyết vấn đề đặt người học trước trách nhiệm phải đặt câu hỏi và khám phá câu trả lời.
Trong giáo dục K-12, học qua dự án đã tiến triển như một phương pháp về giảng dạy hướng đến các nội dung cốt lõi được thông qua việc học tập một cách thực tế, thích đáng, nghiêm ngặt. Dự án có xu hướng “mở – kết” rõ hơn học qua giải quyết vấn đề, giúp người học có nhiều lựa chọn để chiếm lĩnh cái họ biết. Không giống các dự án có chiến thuật kết thúc ở việc “học một cách thực tế”, dự án trong phương pháp PBL trọng tâm vào bài học. Dự án ở đây được đặc trưng bởi những câu hỏi định hướng nhằm giúp người học khám khá, nghiên cứu, hoặc tự kiến tạo ra cách giải quyết vấn đề của mình. Ví dụ: Làm thế nào để chúng ta giảm lượng khí Carbon trong trường? Cách nào an toàn khi sử dụng nguồn nước? Cách nào để đo lường các tác động của thiên tai? Người học được sử dụng các công nghệ nhiều như các chuyên gia để tiến hành công việc – để giao tiếp, hợp tác, tiến hành nghiên cứu, phân tích, sáng tạo và công bố công trình, kết quả làm việc của mình với những độc giả thực tế. Thay vì viết báo cáo về một cuốn sách, người học trong một dự án văn học có thể ghi âm lại bình luận của mình về cuốn sách đó rồi đưa nó lên blog, thu hút sự phản hồi từ bạn bè trong lớp hoặc thành phố, đất nước khác.
Phù hợp cho một thế kỷ mới
Một số xu hướng đã góp phần vào việc đưa phương pháp học qua dự án trở thành một chiếc lược học tập của thế kỷ 21 trong giáo dục. Các nhà khoa học về nhận thức đã đưa cho chúng ta sự hiểu biết sâu sắc về cách chúng ta học, cách chúng ta phát triển chuyên môn, và cách chúng ta trở thành một người tư duy ở cấp độ cao. Các lĩnh vực trải rộng từ khoa học não bộ đến tâm lý học xã hội đều đã góp phần cho chúng ta sự hiểu biết về những điều kiện để tạo tạo ra môi trường tốt nhất cho việc học. Văn hóa, bối cảnh và bản chất xã hội của việc học đều có vai trò định hình kinh nghiệm của người học. Chính những hiểu biết sâu sắc này đã giúp giải thích sự cần thiết của PBL cho việc lôi kéo sự đa dạng của người học.
Tuy PBL được áp dụng ở tất cả các ngành học, nhưng ở đâu PBL cũng đều nhấn mạnh việc học chủ động, tự định hướng từ phía người học. Tại sao phương pháp này lại dẫn đến sự hiểu biết sâu sắc hơn học thuộc lòng? Sự phù hợp đóng vai trò to lớn trong việc này. Dự án đưa người học vào bối cảnh của thế-giới-thực, nó làm cho “nhu cầu cần phải biết” trở nên mạnh mẽ. Động lực là nhân tố quan trọng. Dự án đem đến cho người học quyền được lựa chọn và thể hiện quan điểm, cũng như cá nhân hóa kinh nghiệm học tập. Bằng việc thiết kế, dự án có điểm bắt đầu và kết thúc. Nó có nghĩa là người học cần phải xem xét và đánh giá nhiều giải pháp phức tạp. và có lẽ còn phải bào chữa cho sự lựa chọn của mình. Tất cả những hoạt động này đòi hỏi kỹ năng tư duy bậc cao ở người học.
Một xu hướng khác khá được quan tâm trong PBL là việc thúc đẩy rõ rệt tình trạng đọc và viết. Việc học đọc đang được chú ý quá ít. Người học ngày nay phải có khả năng điều chỉnh và đánh giá nguồn thông tin tri thức khổng lồ. Điều này đòi hỏi sự thành thạo về công nghệ cùng với việc phát triển kỹ năng tư duy phản biện. PBL cung cấp cho người học cơ hội tìm ra ý nghĩa của các thông tin, xa hơn nó còn giúp người học góp phần mở rộng nguồn thông tin đã có.
Cuối cùng, người học ngày nay sẽ phải đối mặt với những thách thức phức tạp khi họ hoàn thành việc học chính thức tại trường lớp. Biết cách để giải quyết vấn đề, hợp tác trong công việc và tuy duy đổi mới đã trở thành những kỹ năng thiết yếu – không chỉ cho việc tìm kiếm nghề nghiệp tương lai mà giúp cải thiện cả những vấn đề khó khăn tại cộng đồng địa phương và trên khắp thế giới.
Để đáp ứng những nhu cầu phức tạp đó, ngày càng nhiều giáo viên, trường học, thậm chí là các tiểu bang đã thông qua phương pháp học qua dự án. Trong một vài trường hợp, PBL được chứng minh là thành phần thiết yếu trong việc thiết kế lại trường học.New Tech Network, Expeditionary Learning, EAST Initiative, và Envision Schools là vài ví dụ về các chương trình tích hợp PBL vào mô hình trường học (theo nghĩa rộng) để chuẩn bị cho người học vững bước vào tương lai.
Thách thức mới đối với giáo viên
Học qua dự án không thiếu những thách thức. Nó yêu cầu người học – và cả người dạy. Đặc biệt là những giáo viên chưa từng có kinh nghiệm PBL trước đó. Dự án yêu cầu kỹ năng lập kế hoạch và quản lý mà có thể họ chưa quen. Hơn nữa, PBL đặt giáo viên trong vào trò người hỗ trợ chứ hơn là chuyên gia trong lớp học. Giáo viên có thể hưởng lợi từ sự phát triển chuyên nghiệp, điều này sẽ giúp họ mở rộng bộ-công-cụ-lớp-học trong chiến lược giảng dạy của mình. Cũng như sinh viên khi học theo PBL thì ở đây giáo viên cũng cần được trao quyền. Sự hỗ trợ của người quản lý, phụ huynh và các thành viên trong cộng đồng sẽ giúp giáo viên và sinh viên vượt qua những thách thức và thêm cơ hội triển khai PBL.
Để PBL có được sự ủng hộ và có những bước chuyển mới thì cộng đồng giáo dục cần tiếp tục trao đổi các ý tưởng và hợp tác trong những dự án cụ thể nhằm biến phương pháp này thành sức mạnh để chuẩn bị tốt hơn cho người học bước vào tương lai.
Suzie Boss
Phương Nguyễn dịch
(Nguồn: http://neoedu.fpt.edu.vn/hoc-tap-qua-du-an-luoc-su/)
2767