TT - Hai tâm sự, một của người mẹ và một của người thầy nhưng cùng kể về sự vô tâm của con mình, của học trò mình.

Sự vô cảm, sự dửng dưng với tập thể, thái độ thiếu trách nhiệm với công việc chung không còn là cá biệt ở học sinh nào, lớp nào, trường nào

Thầy 
LAM HỒNG

Đọc để cùng giật mình, lo âu cho một ngày kia...

Ai chăm sóc mẹ?

Con gái tôi hiện học lớp 11. Biết điểm tổng kết học kỳ I, con về khoe với cả gia đình đạt học sinh giỏi, thuộc top 5 bạn có điểm số cao nhất lớp. Con tôi đề đạt nguyện vọng được bố mẹ thưởng tiền mua sắm quần áo và được đi chơi cùng các bạn vào đêm Noel.

Nhưng thật không may, ngay đúng đêm Noel vừa rồi tôi bị tăng huyết áp, mệt mỏi choáng váng, nên tôi cần con gái ở nhà chăm sóc. Khác với suy nghĩ của tôi, con gái tỏ vẻ khó chịu vì bị lỡ hẹn đi chơi cùng các bạn.

Nhìn con nhíu mày nhăn nhó khi mẹ nhờ đi bưng thuốc, làm vệ sinh... lòng tôi trĩu nặng, rơm rớm nước mắt. Con không hỏi mẹ được một câu: “Mẹ thấy trong người thế nào?”, “Mẹ ăn gì để con nấu...” mà cắm cúi vào điện thoại, cập nhật trạng thái trên Facebook: nỗi buồn không được đi chơi đêm Noel. Hóa ra con gái tôi vẫn còn quá bé bỏng, vô tư 
và vô tâm như ngày nào.

Nhớ lại những lần ông bà nội ngoại của con bị ốm, vợ chồng tôi tất tả ra vào chăm sóc bố mẹ trong bệnh viện, còn các cháu của ông bà thì bận học tối ngày nên không thể tới thăm. Hoặc các cháu đến thăm ông bà thì chỉ cho có lệ, và rất nhanh sau đó thì các cháu bị người lớn nhắc nhở “về nhà học bài”, “không có việc ở đây”...

Có đôi lần tôi cũng buồn nhiều, vì nhờ con để mắt tới ông bà đang bị bệnh thì con mãi để mắt tới màn hình điện thoại, đeo tai nghe như không hề biết gì xảy ra 
xung quanh mình.

Vì thương con học ngày học đêm cho bằng bạn bằng bè, cho có tương lai sáng láng mà một người mẹ như tôi không nề hà bất cứ điều gì để chăm sóc con: cơm bưng nước rót tới tận phòng, mỗi sáng sớm tranh thủ đi mua đồ ăn cho con, dành cho con thêm vài phút ngủ say...

Bây giờ tôi giật mình khi chứng kiến con gái chỉ quen nhận sự chăm sóc, nuông chiều từ cha mẹ mà không biết làm điều ngược lại là quan tâm chăm sóc cha mẹ, dù chỉ bằng một vài câu hỏi 
thăm, một bữa ăn sáng...

Những đứa trẻ vô tâm như con gái tôi ngày càng nhiều. Với những người thân yêu nhất, các con còn có thể đối xử như vậy thì mong chờ gì các con sẽ đối xử tốt, sống chan hòa, yêu thương mọi người?

Chiếc bình bông héo khô...

Hôm nay, do có công việc nên tôi vào lớp 10A1 chuyên toán (lớp được coi là ngoan, là “chuẩn” của trường). Vừa bước vào lớp, tôi sững người khi thấy chiếc bình bông cây kiểng nhỏ đã héo khô tự lúc nào, trông thật tội nghiệp...

Chỉ hai tuần trước đây, khi nhấc bình bông kiểng còn xanh tốt lên, tôi có ý định sẽ tìm cho lớp cái đĩa lót bình để khi tưới cây, nước khỏi chảy ra ngoài. Thế mà giờ đây, cái đĩa tôi tìm đã có mà cây thì chết khô từ hồi nào.

Được thầy hiệu trưởng phân công làm công tác giáo dục đạo đức, tư tưởng cho học sinh, thiệt tình là nhiều khi tôi không hiểu hết tâm tánh học sinh bây giờ.

Như lớp 10A1 có 35 em, đa số các em là con em công nhân viên chức nhà nước, doanh nghiệp, gia đình khá giả, điều kiện học tập khá đầy đủ. Vậy mà cả 35 em mỗi ngày bước ngang qua bình bông bên lan can cửa ra vào lớp, không ai tự giác cầm chai nước tưới cho cây, không ai thấy cây đang héo khô dần trong vô vọng. Nếu cây biết kêu la chắc gì các em đã nghe thấy, vì ai cũng luôn mải mê dán mắt vào màn hình điện thoại thông minh.

Ngay cả lớp trưởng, bí thư chi đoàn cũng không quan sát, không bao quát cả lớp. Bản thân các em đã không quan tâm đến cây, lại còn không nhắc nhở các bạn trực nhật tưới cây!

Sự vô cảm, sự dửng dưng với tập thể, thái độ thiếu trách nhiệm với công việc chung không còn là cá biệt ở học sinh nào, lớp nào, trường nào. Các em chỉ biết học mà không biết hành!

Bài giảng của thầy cô luôn có liên hệ, tích hợp, lồng ghép bảo vệ môi trường, trồng cây xanh cho không khí trong lành, cho trường xanh - sạch - đẹp... Khi trả bài, các em trả lời trôi chảy, phát biểu hăng hái, tỏ ra hiểu thấu vấn đề, nhưng khi vận dụng vào thực tế thì chỉ là con số không!

Chiếc bình bông héo khô đó ngay trước cửa lớp, như một dấu hỏi đập vào mắt mọi người mỗi ngày. Nhưng các em không buồn tìm câu trả lời. Không đơn giản chỉ là câu chuyện chiếc bình bông héo khô, mà điều đó còn nói lên sự héo khô trong tâm hồn, héo khô trong tình cảm, héo khô trong trách nhiệm, héo khô trong ý thức của con người. Các em không hiểu được rằng cây cũng như con người, rất cần được chăm sóc, tưới tắm, nâng niu...

LAM HỒNG

Đ.D.
 
 Nguồn: http://tuoitre.vn/tin/giao-duc/cau-chuyen-giao-duc/20160106/con-tre-vo-tam-vi-sao/1033360.html

 

2549

TIN GIÁO DỤC

Thuyết hành vi cổ điển của Palov (23-07-2016)

Giáo dục ngoài trời thúc đẩy sự phát triển của trẻ (23-07-2016)

10 kĩ năng đặt câu hỏi của giáo viên (04-06-2016)

Khi thầy dạy trò phản biện (15-05-2016)

Học tập qua dự án: Lược sử (14-04-2016)

Học tập chuyển hóa (18-03-2016)

Giáo dục đạo đức học sinh: Lý thuyết và thực tế còn bất cập (29-02-2016)

Mỹ: dạy triết học cho trẻ từ 5 tuổi (31-01-2016)

Bí quyết dạy học của các giáo viên đoạt giải tại Mỹ (30-08-2015)

Sẽ hết câu chuyện “học gì thi nấy”? (24-06-2015)

Xem thêm ...