Sẽ hết câu chuyện “học gì thi nấy”?
TTO - Tại sao đề thi khảo sát năng lực để xét tuyển vào lớp 6 Trường chuyên Trần Đại Nghĩa lại khác biệt và tạo nên hai luồng dư luận trái chiều?
Một phần đề thi |
Xôn xao tranh luận đề thi "mở" cho học sinh, một số bạn đọc chưa đồng tình vì đề thi hỏi nhiều kiến thức ngoài chương trình học, tuy nhiên cũng có không ít bạn đọc và phụ huynh ủng hộ vì cách ra đề mở đột phá như năm nay tiệm cận với xu hướng thế giới.
Ngoài những câu hỏi liên quan đến kiến thức toán, lý, hóa, đề khảo sát còn yêu cầu thí sinh phải trả lời những câu về thể thao, xã hội, sức khỏe…
Vì mang tính chất "tìm kiếm" thí sinh có năng lực thật sự nên đề khảo sát lần này còn có sự pha trộn tiếng Anh và tiếng Việt trong cùng một câu hỏi. Dạng câu hỏi cũng khá đa dạng, từ tính toán đến tìm điểm khác nhau, điền từ, điền ô chữ, tìm chi tiết sai, giải ô chữ, chỉ đường bằng tiếng Anh...
Nên nhìn nhận đây là tuyển sinh chứ không thi... tốt nghiệp
Trao đổi về vấn đề này, một giáo viên ở TP.HCM cho biết đề thể hiện rất rõ mục tiêu của người ra đề là tìm được những học sinh thật sự có năng lực vào Trường chuyên Trần Đại Nghĩa.
Đề khảo sát này không chỉ yêu cầu kiến thức về văn, toán, tiếng Anh mà còn đòi hỏi học sinh phải có kiến thức tổng hợp về xã hội, lịch sử…
“Những học sinh làm được đề khảo sát này là những em phải thật sự có năng lực”, giáo viên này nhận xét.
Tuy nhiên, giáo viên này cũng bày tỏ sự băn khoăn khi đề thi có sự trộn lẫn giữa tiếng Anh và tiếng Việt vì sẽ dễ gây rối cho học sinh và phần nào không đảm bảo sự trong sáng khi thực hành tiếng Việt.
Trong khi đó, một chuyên gia về toán học cho biết những câu về toán trong đề khảo sát có câu rất dễ, có câu lại quá khó.
“Mục tiêu của đề khảo sát là sàng lọc những học sinh có năng lực nhưng theo tôi, đây là “cái sàng” chưa chuẩn lắm. Không chuẩn ở việc trộn lẫn tiếng Anh và tiếng Việt trong đề, câu hỏi về logic toán thì chưa chất lượng”, chuyên gia này cho biết.
Ngược lại, theo một chuyên gia lâu năm trong ngành giáo dục, đây là cách ra đề bám theo xu hướng hiện đại. Mọi người nên nhìn nhận khách quan, đầu vào "tuyển sinh" chính là kiểm tra năng lực, người ra đề có quyền ra đề mang tính chất đòi hỏi để tìm kiếm học sinh đủ trình độ năng lực cho nhu cầu của trường, đề tuyển sinh không phải là đề thi tốt nghiệp mà cần tất cả các nội dung trong chương trình chính khóa các em học.
Vả lại, năm nay chủ trương ra đề "hướng tiệm cận với hướng đổi mới của Bộ GD-ĐT nhằm phát huy năng lực của người học, bước đầu tác động trở lại quá trình dạy học ở trường phổ thông".
Ra đề để thay đổi lối mòn "dạy nhồi kiến thức"
Một số phụ huynh đề nghị không nên chạy theo phương pháp mới do căn bản ở trường học không dạy được thực hành hay kỹ năng mềm cho các em, người ra đề nên xác định kiến thức nằm trong phạm vi hiểu biết của các em.
Tuy nhiên, có không ít phụ huynh đồng tình với các dạng đề mở như bài khảo sát năng lực vừa qua của Trường Trần Đại Nghĩa. Các bạn đọc cho rằng nên xét đến tính toàn diện, ngoài kiến thức sách vở cũng cần thông tin xã hội. Trách nhiệm dạy dỗ kỹ năng mềm, tính thực hành và mức độ hiểu biết, cảm nhận xã hội không chỉ ở nhà trường mà còn ở gia đình.
Thí sinh chờ phụ huynh đón sau khi dự khảo sát năng lực tiếng Anh kỳ tuyển sinh lớp 6 vào Trường Trần Đại Nghĩa, Q.1, TP.HCM tại HĐT Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ, Q.4 sáng 20-6 |
Bạn đọc Phước Kiều nói: "Tôi đồng tình với cách ra đề này vì học là phải sáng tạo, cập nhật thông tin, đừng như cái máy! Đôi khi chỉ một điểm chưa chuẩn nho nhỏ, mình nên bỏ qua, vì thế hệ tương lai”.
Bạn đọc Vương Châu - phụ huynh có con tham gia kỳ thi - khẳng định:
“Đề bài khảo sát vào trường tổng hợp rất nhiều kiến thức từ lịch sử, địa lý, khoa học đến văn học. Lâu nay, việc các học sinh từ bậc tiểu học đến trung học, học lệch, học tủ, tâm lý cha mẹ nuôi con, dạy con như nuôi gà, dạy gà, chỉ cần giỏi các môn tự nhiên (để đi thi khối A) hoặc chỉ cần giỏi các môn xã hội (để đi thi khối C) mà không học đều được tất cả các môn, hoặc chỉ chú trọng đến việc học giỏi các kiến thức trong nhà trường, không quan tâm đến các kiến thức xã hội, khiến các con dù đạt điểm cao trong học tập nhưng lại là “gà mờ” đối với nhiều kỹ năng và kiến thức của xã hội, đó chính là điều “tụt hậu” so với thế giới”.
Một vị phụ huynh khác viết: “Con mình cũng thi và mình thấy đề thi năm nay hay, không thiên về toán, tiếng Việt mà tổng hợp các môn, cùng với nhiều kiến thức xã hội. Phù hợp với xu hướng toàn cầu hiện nay”.
“Cách ra đề này rất phù hợp với hướng đổi mới của Bộ GD-ĐT là nhằm phát huy năng lực của người học. Nếu chỉ chăm chăm “học gì thi nấy” thì những kiến thức, kỹ năng xã hội sẽ mãi là điểm yếu của con em chúng ta”, chị Mai Huỳnh nói.
Có cùng cách nghĩ này, chị Thu Hoài (TP.HCM), một phụ huynh có con tham gia kỳ khảo sát, cho biết dù hơi bất ngờ với đề thi vừa có tiếng Anh vừa có tiếng Việt nhưng theo chị đây là cách ra đề hay.
“Sau này các môn học ở trường cũng nên ra đề theo kiểu như vậy để các bé bớt đi việc học thuộc lòng từ sách vở mà chú trọng hơn đến khả năng tư duy, nhận định. Hướng ra đề mới mang tính chất mở rộng, đòi hỏi các bé phải đọc sách nhiều hơn, tập quan sát mọi việc, kể cả khi đi chơi”, chị Thu Hoài nói.
Theo chị Hoài, để các em học sinh có thể vận dụng tối đa điều mình học từ nhà trường vào trong cuộc sống thì đòi hỏi phải có những kiểu ra đề như vậy. Nhà trường, phụ huynh từ đó cũng thay đổi cách dạy nhồi nhét kiến thức cho con và các bé cũng thay đổi được cách học chỉ chú tâm học thuộc lòng như trước nay.
2506
24-06-2015