Lớp học đảo ngược

Thay vì đến lớp thụ động nghe giảng bài, rồi về nhà làm bài tập, ở lớp học đảo ngược học trò sẽ chủ động tìm hiểu kiến thức dưới sự định hướng của thầy cô và làm bài tập về nhà. Khi đến lớp, các em được tổ chức nhiều hoạt động để tương tác và chia sẻ lẫn nhau.

“Nào, cô kiểm tra xem kết quả bài tập ở nhà của các con nhé!”. Bắt đầu tiết Hóa 9, tôi mở máy tính, vào trang https://www.surveymonkey.com để xem thống kê kết quả làm bài tập của học sinh. Trên màn hình hiện ra kết quả có bao nhiêu phần trăm học sinh làm đúng từng phần rất cụ thể.

Các em bắt đầu xôn xao cười nói. Có em phấn khích: “Con giỏi quá cô ơi, con được 100% luôn!”, em khác thì bực bội: "Tức quá, tớ lộn mất một câu!”. Cũng có tiếng lao xao “nhóm mình bá đạo thiệt, cả 6 đứa đạt 100%!". Và các em đồng loạt "Cô thưởng đi cô ơi". Nhìn các em thoải mái như vậy tôi cảm thấy như mọi vất vả của mình được thưởng xứng đáng.

giangvien1-8890-1422682969.jpg

Cô giáo Tô Thị Diễm Quyên.

Từ đầu năm học này, tôi bắt đầu thử nghiệm giảng dạy cho học sinh bằng phương pháp Flipped classroom - Lớp học đảo ngược. Tôi thiết kế các bài giảng E Learning bằng các công cụ nhưhttps://mix.office.com/ (một công cụ miễn phí của Microsoft office) rồi gửi lên trang Facebook tôi lập ra cho mục đích giảng dạy trực tuyến miễn phí để các em vào tự tìm hiểu bài.

 

Sau đó các em sẽ làm một số bài tập để kiểm tra khả năng tiếp thu. Nhờ học sinh đã nắm vững lý thuyết ở nhà nên khi vào lớp tôi chỉ tổ chức những hoạt động mang tính tương tác nhằm rèn cho học sinh kỹ năng cần thiết. Trong đó làm việc nhóm là kỹ năng tôi chú trọng nhất bởi đây là kỹ năng người Việt Nam yếu hơn hẳn so với các nước trong khu vực. Khi được hỏi “các con có thích học như thế này không?" thì 100% học sinh của tôi đều hét lớn “thích lắm cô”.

Thực ra phương pháp lớp học đảo ngược này có tính khả thi cao đối với học sinh có khả năng tự học, có kỷ luật và ý chí. Hiệu quả của phương pháp đã được kiểm chứng từ lâu ở nhiều quốc gia có nền giáo dục phát triển mạnh mẽ như Australia, Mỹ và các nước châu Âu… Ở Việt Nam, phương pháp lớp học đảo ngược đã được sử dụng từ khá lâu ở bậc đại học. Tuy nhiên, áp dụng cho bậc phổ thông thì chưa phổ biến do chưa có bất kỳ một cuộc tập huấn nào triển khai về phương pháp này dành cho giáo viên phổ thông. 

lophoc-1877-1422682969.jpg
 

Tại quận 1 TP HCM, phương pháp lớp học đảo ngược đã được thử nghiệm ở môn Hóa 9, nhận được một số thành công nhất định qua kết quả học tập và qua phản hồi tích cực từ phía học sinh. Vậy phương pháp này có những ưu điểm gì? Để thấy được điều này, chúng ta sẽ có một cuộc so sánh giữa hai hình thức lớp học cổ điển và đảo ngược.

Ở lớp học cổ điển, học sinh đến trường ngồi nghe giảng bài thụ động và hình thức này được giới chuyên môn gọi là Low thinking. Sau đó các em về nhà làm bài tập và quá trình làm bài tập sẽ khó khăn nếu học sinh không hiểu bài. Lúc này cha mẹ các em sẽ phải đóng vai người thầy bất đắc dĩ để giúp con mình làm bài và hầu hết đều không thành công trong vai trò này, hoặc rất vất vả vì phụ huynh không có chuyên môn.

Như vậy, nhiệm vụ truyền đạt kiến thức mới thuộc người thầy, và theo thang tư duy Bloom thì nhiệm vụ này chỉ ở những bậc thấp (tức là “Biết" và “Hiểu”). Còn nhiệm vụ của học sinh là làm bài tập vận dụng và nhiệm vụ này thuộc bậc cao của thang tư duy (bao gồm “Ứng dụng”, “Phân tích”, “Tổng hợp” và “Đánh giá"). Điều trở ngại ở đây đó là nhiệm vụ bậc cao lại do học sinh và phụ huynh là những người không có chuyên môn đảm nhận.

Với lớp học đảo ngược, việc tìm hiểu kiến thức được định hướng bởi người thầy (thông qua những giáo trình E-Learning đã được giáo viên chuẩn bị trước cùng thông tin do học sinh tự tìm kiếm), nhiệm vụ của học sinh là tự học kiến thức mới này và làm bài tập mức thấp ở nhà. Sau đó vào lớp các em được giáo viên tổ chức các hoạt động để tương tác và chia sẻ lẫn nhau. Các bài tập bậc cao cũng được thực hiện tại lớp dưới sự hỗ trợ của giáo viên và các bạn cùng nhóm.

Cách học này đòi hỏi học sinh phải dùng nhiều đến hoạt động trí não nên được gọi là “High thinking". Như vậy những nhiệm vụ bậc cao trong thang tư duy được thực hiện bởi cả thầy và trò.

Phương pháp này không cho phép học sinh ngồi nghe thụ động nên giảm được sự nhàm chán. Mặc dù vậy, muốn quá trình đảo ngược thành công thì những giáo trình E-Learning phải rất bài bản và hấp dẫn để lôi cuốn được học sinh không xao lãng mà tập trung vào việc học. Vì lý do đó, phương pháp này phải gắn chặt với phương pháp E-Learning. Giáo viên phải quản lý và đánh giá được việc tiếp thu kiến thức thông qua các bài tập nhỏ đi kèm với giáo trình.

Một ưu điểm khác là học sinh có thể học mọi lúc, mọi nơi và với mọi thiết bị chỉ cần thiết bị đó có thể online được như smartphone, máy tính bảng, Ipod, máy tivi hoặc tính bàn có kết nối Internet... 

lophoc1-7769-1422682969.jpg
 

Tuy nhiên, phương pháp này cũng có những nhược điểm khi vận dụng vào quá trình dạy học ở phổ thông do đặc thù của giáo dục mỗi nước cũng như tính cách và kỹ năng của học sinh. Trước hết nó làm mất nhiều thời gian và công sức cho việc soạn giảng của giáo viên. Với khối lượng kiến thức khổng lồ và số môn học trong một năm quá nhiều thì việc học tập theo phương pháp này là khó khả thi. Cộng với việc kiểm tra đánh giá vẫn chưa rõ ràng theo tiêu chí đánh giá toàn diện chứ không chỉ chú trọng đánh giá về mặt nội dung thì giáo viên vẫn còn vất vả chạy theo kiểu “thi gì dạy nấy".

Ngoài ra, muốn thực hiện các bài giảng E-Learning và sử dụng các công cụ khác để tổ chức hoạt động học tập trong lớp thì đòi hỏi giáo viên phải giỏi về công nghệ và vững về phương pháp. Mặc dù vậy, không phải học sinh nào cũng hứng thú hợp tác hoặc do đường truyền Internet kém sẽ gây gián đoạn việc học tập ở nhà. Cuối cùng giáo viên, tổ bộ môn phải có một kế hoạch đồng bộ và xuyên suốt năm học vì không phải bài học nào cũng phù hợp với phương pháp này.

Nếu khắc phục được những nhược điểm trên thì phương pháp lớp học đảo ngược - Flipped classroom - sẽ là rất tuyệt vời cho việc rèn kỹ năng thế kỷ 21.

Tô Thụy Diễm Quyên
Giảng viên chương trình Ứng dụng CNTT vào dạy học của Bộ GD&ĐT.

(Nguồn: http://vnexpress.net/tin-tuc/giao-duc/lop-hoc-dao-nguoc-3141727.html)

4691
01-02-2015

TIN GIÁO DỤC

Thuyết hành vi cổ điển của Palov (23-07-2016)

Giáo dục ngoài trời thúc đẩy sự phát triển của trẻ (23-07-2016)

10 kĩ năng đặt câu hỏi của giáo viên (04-06-2016)

Khi thầy dạy trò phản biện (15-05-2016)

Học tập qua dự án: Lược sử (14-04-2016)

Học tập chuyển hóa (18-03-2016)

Giáo dục đạo đức học sinh: Lý thuyết và thực tế còn bất cập (29-02-2016)

Con trẻ vô tâm, vì sao? (31-01-2016)

Mỹ: dạy triết học cho trẻ từ 5 tuổi (31-01-2016)

Bí quyết dạy học của các giáo viên đoạt giải tại Mỹ (30-08-2015)

Xem thêm ...