Giáo viên lúng túng trước việc đổi mới phương pháp dạy

Song song với việc đổi mới chương trình sách giáo khoa, Bộ Giáo dục - Đào tạo chủ trương đổi mới phương pháp dạy học, tuy nhiên nhiều giáo viên còn tỏ ra lúng túng.

Tại buổi Hội thảo dạy học tích hợp được tổ chức tại ĐH Sư phạm TP HCM ngày 5/12, TS Võ Văn Duyên Em, khoa Hóa học - ĐH Quy Nhơn đánh giá, việc thực hiện dạy học theo hướng tích hợp trong từng môn và liên môn sẽ giúp học sinh phát triển các năng lực, đặc biệt là trí tưởng tượng khoa học và năng lực tư duy vì nó luôn tạo ra các tình huống để học sinh vận dụng kiến thức gần với cuộc sống.

Đồng thời việc dạy học theo hướng tích hợp sẽ giảm tải được khối lượng kiến thức và thời lượng đối với mỗi môn học theo quy định, giúp học sinh hứng thú với hơn với việc học.

 

unnamed-4312-1417779612.jpg

'Nhiều giáo viên còn hiểu sai, hiểu nhầm về phương pháp đổi mới dạy học theo hướng tích hợp', cô Mai nói. Ảnh: Nguyễn Loan

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng việc dạy học theo hướng tích hợp cần phải có hướng dẫn và lộ trình cụ thể vì trên thực tế nhiều giáo viên vẫn đang hiểu sai, hiểu nhầm khái niệm này.

Theo cô Trương Thị Thanh Mai, khoa Sinh - Môi trường, ĐH Sư phạm Đà Nẵng thì việc đổi mới phương pháp giảng dạy cần phải được thực hiện từ các "lò" sư phạm đào tạo giáo viên. 

Cô Mai cho biết đề án Đổi mới chương trình và sách giáo khoa được Chính Phủ giao Bộ Giáo dục thực hiện từ năm 2010, tính đến nay đã gần 5 năm nhưng bản dự thảo của đề án chỉ mới được đưa ra và đang từng bước thực hiện. Do đó các trường ĐH, CĐ đào tạo ngành sư phạm chưa định hướng được việc đào tạo giáo viên theo hướng dạy tích hợp, đổi mới. Hiện nhiều trường vẫn giữ nguyên khung chương trình đào tạo, không có sự điều chỉnh, bổ sung các môn dạy và phương pháp cần thiết để đào tạo giáo viên theo hướng yêu cầu của Bộ.

"Trên thực tế phần lớn giáo viên chưa hiểu hết vấn đề dạy tích hợp là như thế nào, nhiều giáo viên còn nhầm lẫn cả trong khái niệm chứ đừng nói đến cách dạy, nhất là những giáo viên mới ra trường" cô Mai phát biểu và thông tin thêm trong kết quả điều tra của nữ giáo viên này có đến 40% giáo viên còn nhầm lẫn trong các khái niệm. Một số giáo viên khác khi thực hiện đổi mới phương pháp giảng dạy cũng mang tính chất ngẫu nhiên, tự phát chứ chưa có định hướng rõ ràng.

Tương tự, TS Dương Thị Hồng Hiếu, khoa Ngữ văn ĐH Sư phạm TP HCM cũng cho rằng việc dạy học theo hướng tích hợp, nhiều giáo viên chỉ dừng lại ở việc tích hợp theo kiểu lồng ghép. Nghĩa là khi dạy môn của mình thì một số giáo viên đưa vào một số liên hệ với bộ môn khác một cách không cần thiết.

"Với cách dạy này không những không mang lại kết quả mà nó còn làm loảng nội dung chính của bài vì phải chia sẻ thời lượng cho những kiến thức khác mà giáo viên cho đó là tích hợp", tiến sĩ Hiếu nói và cho rằng giáo viên cần phải lựa chọn những kiến thức, chủ đề tương đương để tích hợp chứ không phải mở rộng lan man ra những kiến thức bên ngoài vào một bài học trong chương trình. Theo bà thì các trường sư phạm và Sở giáo dục phải có hướng dẫn cụ thể cho giáo viên về phương pháp đổi mới dạy học này.

 
IMG-4997-JPG-1510-1417779612.jpg

Theo ông Nguyễn Anh Dũng thì vấn đề chủ chốt nhất trong việc thành công đổi mới giáo dục là những giáo viên trực tiếp đứng lớp. Ảnh: Nguyễn Loan

Có mặt tại buổi hội thảo, TS Nguyễn Anh Dũng - Nguyên Viện phó Viện nghiên cứu giáo dục và là thành viên Ban chỉ đạo đổi mới sách giáo khoa của Bộ cho biết, theo định hướng của Bộ GD&ĐT thì việc đổi mới phương pháp dạy học theo hướng tích hợp sẽ phân theo từng cấp.

Đối với bậc tiểu học thì sẽ tích hợp riêng môn đối với hai lĩnh vực khoa học tự nhiên và khoa học xã hội. Giáo viên phải tăng cường tích hợp trong nội bộ môn học, còn đối với các môn như Toán, tiếng Việt, lối sống đạo đức... thì có thể tích hợp đa môn.

Đối với bậc THCS thì sẽ sẽ tích hợp liên môn đối với các môn khoa học tự nhiên và khoa học xã hội, những môn khác sẽ tích hợp nội bộ môn học và nhiều môn có kiến thức tương đồng lại với nhau.

Còn ở bậc THPT thì chủ yếu tích hợp nội bộ môn học và xuyên môn đối với khoa học tự nhiên và khoa học xã hội. Không còn hình thức phân ban mà sẽ phân hóa theo hình thức tự chọn.

Ông Dũng cho biết, phương án cụ thể sẽ được xây dựng trong năm 2015 để có thể đáp ứng được việc dạy học theo chương trình sách giáo khoa đổi mới mà Bộ đang xây dựng.

"Tuy nhiên về vấn đề đổi mới giáo dục không phải nằm ở chương trình sách giáo khoa hay phương pháp dạy học mà vấn đề quan trọng nhất đó là giáo viên. Thành công hay không là ở hệ thống giáo viên trực tiếp giảng dạy. Giáo viên là vấn đề đáng lo nhất hiện nay", ông Dũng nói và cho biết Bộ sẽ xây dựng một đề án về việc đào tạo giáo viên và cơ sở vật chất để phục vụ cho chương trình này. Tuy nhiên trước khi chờ đề án của Bộ thì các trường đào tạo ngành sư phạm phải xây dựng lại cấu trúc chương trình và phương pháp giảng dạy đối với sinh viên sư phạm để có thể theo kịp chương trình đổi mới.

Nguyễn Loan

(Nguồn:  http://vnexpress.net/tin-tuc/giao-duc/giao-vien-lung-tung-truoc-viec-doi-moi-phuong-phap-day-3116593.html)

 

2530

TIN GIÁO DỤC

Thuyết hành vi cổ điển của Palov (23-07-2016)

Giáo dục ngoài trời thúc đẩy sự phát triển của trẻ (23-07-2016)

10 kĩ năng đặt câu hỏi của giáo viên (04-06-2016)

Khi thầy dạy trò phản biện (15-05-2016)

Học tập qua dự án: Lược sử (14-04-2016)

Học tập chuyển hóa (18-03-2016)

Giáo dục đạo đức học sinh: Lý thuyết và thực tế còn bất cập (29-02-2016)

Con trẻ vô tâm, vì sao? (31-01-2016)

Mỹ: dạy triết học cho trẻ từ 5 tuổi (31-01-2016)

Bí quyết dạy học của các giáo viên đoạt giải tại Mỹ (30-08-2015)

Xem thêm ...