Cô Nguyễn Ngọc Thanh Thúy - giáo viên Trường tiểu học Triệu Thị Trinh, quận 10 - cho biết: “So với những năm trước đây, năm học này khi tôi tích cực ứng dụng phương tiện nghe - nhìn, tôi nhận thấy học sinh thích học lịch sử hơn. Đến giờ lịch sử, các em có tâm trạng háo hức như chuẩn bị tham gia một chuyến du lịch khám phá những điều mới lạ. Bên cạnh đó, chất lượng học tập của học sinh có nhiều chuyển biến tích cực. Nếu như đầu năm học, số học sinh đạt điểm cao rất ít thì sau này khi tôi áp dụng phương tiện nghe - nhìn, kỳ kiểm tra cuối học kỳ 1 vừa qua tất cả học sinh trong lớp đều đạt điểm khá, giỏi. Khi khảo sát tỉ lệ học sinh hứng thú với môn sử thì 100% các em trả lời là hứng thú”.
Hiệu quả rõ rệt
Theo các giáo viên tại hội thảo, việc lên mạng tìm tư liệu soạn giảng đối với giáo viên TP.HCM không phải điều xa lạ nhưng thật sự việc tìm, chỉnh sửa và chọn lọc tư liệu mất rất nhiều thời gian. Trong khi đó, giáo viên tiểu học hiện phải dạy nhiều môn chứ không chỉ một môn sử. Đó là chưa kể một số người chưa biết cách sử dụng những phần mềm tiện ích cho việc chỉnh sửa, dẫn đến việc có tư liệu nhưng khi sử dụng lại chưa theo đúng mục đích đã đề ra. Vấn đề nhiều giáo viên tiểu học mắc phải là không tìm được nguồn tư liệu phù hợp hoặc cung cấp quá nhiều tranh ảnh, phim tư liệu không cần thiết.
"Việc đa dạng hóa thiết bị, đồ dùng dạy học bằng cách khai thác phương tiện nghe - nhìn vào dạy học lịch sử nhằm tránh sự truyền đạt kiến thức máy móc và nhồi nhét, giúp học sinh không phải học vẹt, học chay..." Ông Lâm Văn Đua (chuyên viên phòng giáo dục tiểu học, Sở GD-ĐT TP.HCM) |
Để tìm được tư liệu phù hợp, cô Nguyễn Ngọc Thanh Thúy đưa ra giải pháp: tìm tranh ảnh, phim tư liệu tại các bảo tàng và tìm qua mạng; trang bị cho máy tính của mình một số phần mềm tiện ích; luyện tập thường xuyên việc soạn và giảng bằng phần mềm PowerPoint.
Tuy nhiên, cô Nguyễn Thị Thùy - giáo viên Trường tiểu học Nguyễn Văn Kịp, quận Tân Bình - lại cho rằng: “Không nên lạm dụng việc trình chiếu hình ảnh trên máy. Nếu nội dung nghe - nhìn nào có thể sử dụng vật thật để các em có thể sờ thấy, quan sát trực tiếp thì giáo viên chuẩn bị vật thật. Ví dụ, dạy bài “Hoàn thành thống nhất đất nước”, ở nội dung thứ nhất, tôi tổ chức cho các em sắm vai người dân đi bầu cử Quốc hội thống nhất. Nội dung thứ hai trong bài, tôi chuẩn bị cờ Tổ quốc, cờ Đảng, cờ Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam, quốc huy, huy hiệu Đội, huy hiệu Đoàn để học sinh tự tay chọn ra cờ Tổ quốc, quốc huy”.
Cô Thùy kết luận: “Tôi ứng dụng nhiều phương tiện để tổ chức tiết học, ví dụ dạy lịch sử dưới dạng một hội thi, một trò chơi, một chuyến đi du lịch hay sắm vai tái hiện sự kiện lịch sử. Mỗi nội dung gắn với hình ảnh, vật thật, âm nhạc... các em được nghe, được hát, được nhìn, được sờ nên ghi nhớ bài ngay tại lớp”.
Không chỉ là trình chiếu
Tại hội thảo, cô Lê Thị Ngọc Điệp - hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận 1 - kể: “Những điều học sinh được nghe và nhìn trong không gian, bối cảnh phù hợp thì hiệu quả của giờ học càng cao. Đến bảo tàng, qua các hiện vật sống động, học sinh có thể quan sát, tưởng tượng, ngẫm nghĩ, giải thích... và ghi nhớ những kiến thức lịch sử tửng chừng khó nuốt”.
Vì vậy, thời gian qua học sinh Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm thường xuyên được học lịch sử ở các bảo tàng và di tích lịch sử. Học bài “Quyết chí ra đi tìm đường cứu nước”, học sinh được đi Bảo tàng Hồ Chí Minh. Học bài “Tiến vào dinh Độc Lập”, học sinh đến Bảo tàng chiến dịch Hồ Chí Minh rồi “rồng rắn” (đi bộ) sang dinh Độc Lập. Cô Điệp chia sẻ các bước cần thực hiện để dạy lịch sử hiệu quả: trang bị các phương tiện nghe nhìn trong từng lớp học; bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng về tin học cho giáo viên, học sinh; tự làm và sử dụng mô hình; tổ chức các buổi tham quan học tập tại bảo tàng hoặc di tích lịch sử; bổ sung tư liệu, sách tham khảo về lịch sử.
Theo ông Lê Ngọc Điệp - trưởng phòng giáo dục tiểu học, Sở GD-ĐT TP.HCM, việc đổi mới phương pháp dạy học môn lịch sử nằm trong hoạt động đổi mới phương pháp giảng dạy tất cả các môn học ở bậc tiểu học. Tuy nhiên, trước thực trạng học sinh phải học thuộc lòng kiến thức môn sử, cách đây hai năm UBND TP.HCM đã chỉ đạo ngành GD-ĐT TP phải phối hợp với Đài truyền hình TP để đưa nhiều hình ảnh vào việc giảng dạy môn lịch sử, giúp học sinh hứng thú hơn với môn học. Môn lịch sử phải tuân thủ theo chương trình sách giáo khoa nên việc phối hợp này gặp một số trở ngại. Vì thế, sở đã phát động và giao nhiệm vụ cụ thể cho 24 phòng GD-ĐT quận huyện (mỗi đơn vị sưu tầm một mảng nội dung khác nhau). Sau khi sưu tầm thì thể hiện cách dạy tích cực vào trong bài giảng của mình (trong khuôn khổ chương trình lịch sử tiểu học).
Qua hơn một năm các trường sưu tầm tranh ảnh, mô hình, phim tư liệu, video clip... và thực hiện trong tiết dạy, Sở GD-ĐT TP đã xem và nhận xét, tổng hợp lại thành “Kho tư liệu dạy lịch sử quý giá” và gửi về 24 quận huyện tham khảo. Đây là một kho tư liệu quý, vấn đề còn lại là việc sử dụng của giáo viên sao cho phù hợp với nội dung bài dạy và đối tượng học sinh của mình.
HOÀNG HƯƠNG
http://tuoitre.vn/Giao-duc/543884/mon-su-khong-nang-neu-day-dung-cach.html
2457