Đừng ép học sinh thành nhà phê bình văn học

Tiến sĩ Phan Hồng Giang, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam, cho rằng tham vọng biến học sinh thành nhà phê bình văn học của những người làm chương trình - sách giáo khoa môn ngữ văn khiến văn mẫu thịnh hành trong đời sống học đường.

 

 
 

Nếu cứ đánh giá theo kiểu 0,25 điểm cho một ý như hiện nay thì chúng ta sẽ cho ra những sản phẩm giống nhau. Sự cá biệt hóa sẽ bị triệt tiêu. Thật đáng kinh hãi khi nhìn một đáp án bổ ra từng 0,25 điểm cho từng ý!

 
 
 

 

Ông Giang chia sẻ: “Mỗi lần cầm cuốn sách giáo khoa (SGK) văn lên, tôi hay bị rơi vào trạng thái bực mình vì gặp sự bất cập. Dường như những nhà làm chương trình, các tác giả SGK xác định chưa trúng lắm mục tiêu dạy học môn văn. Họ có vẻ chú tâm vấn đề giáo dục chính trị tư tưởng, giáo dục công dân trong khi theo tôi, dạy văn chủ yếu là để bồi dưỡng những tình cảm nhân văn của con người. Nội dung học nhiều phần còn mang tính chuyên sâu, khiến người ta không khỏi nghi ngờ, phải chăng các tác giả chương trình, vô tình hay cố ý, muốn đào tạo học sinh (HS) phổ thông sau này thành những nhà phê bình, những nhà nghiên cứu văn học?”.

Vậy theo ông, nên thay đổi nội dung dạy học môn văn theo hướng nào?

Mục đích của môn văn là chỉ cần giúp HS cảm nhận được cái hay, cái đẹp mang đậm tính nhân văn thông qua một số tác phẩm cụ thể, biết cách trình bày lại ý kiến của mình đúng ngữ pháp, dùng từ đúng ngữ nghĩa, viết đúng chính tả. Cái ngược đời hiện nay là chúng ta học hành thì có vẻ cao siêu nhưng khi viết lại không thành câu, không chỉ HS mà kể cả một số thầy cô giáo, thậm chí cả vài ba vị đã thành danh. Cứ mở ti vi là được nghe những câu cụt câu què! Trong các văn bản đầy rẫy câu sai, kiểu “với tinh thần trách nhiệm cao, đã làm tăng vị thế của…” hoặc “quá trình” gì đó “đã thành” thế nọ thế kia…

 

Tiến sĩ Phan Hồng Giang
Tiến sĩ Phan Hồng Giang

 

Nhưng nếu chương trình thay đổi mà cách đánh giá - thi cử không thay đổi thì cũng chẳng giải quyết được gì. Nếu cứ đánh giá theo kiểu 0,25 điểm cho một ý như hiện nay thì chúng ta sẽ cho ra những sản phẩm giống nhau. Sự cá biệt hóa sẽ bị triệt tiêu. Thật đáng kinh hãi khi nhìn một đáp án bổ ra từng 0,25 điểm cho từng ý! Chấm văn thì anh phải nhìn toàn cục cả bài nó có ra văn không chứ không phải đếm ý cho điểm!

Chương trình môn ngữ văn hiện nay có đủ 2 phần ngữ và văn nhưng khả năng diễn đạt tiếng Việt cũng như khả năng cảm thụ văn chương của HS ngày nay đều kém. Nên chăng chương trình sau năm 2015 tách ngữ và văn thành 2 môn, thưa ông ?

Cũng cần phải tích hợp nhưng đến một mức độ nào đó thôi. Nên xem tiếng Việt là môn công cụ, mọi HS đều phải học dù sau này thi ĐH ngành nào vì làm nghề gì cũng phải biết diễn đạt ý tứ mạch lạc, đúng ngữ pháp, không mắc lỗi nói câu què cụt, câu vô chủ. Giáo dục phổ thông rất cần đề cao vai trò tiếng Việt dưới góc độ viết câu đúng ngữ pháp, dùng từ đúng nghĩa.

Với môn văn, điều quan trọng là làm sao khích lệ được sự tiếp nhận sáng tạo của HS. Làm sao để các em tự tìm đến tác phẩm, tự cảm thụ - cảm nhận theo cách của mình. Nếu các em cảm thụ không giống mình thì cũng không nên bắt bẻ mà cần để cho các em trình bày, nếu các em có lý thì mình phải chấp nhận. Như vậy trong một giờ học văn sẽ có những phát hiện, những góc nhìn bất ngờ từ các HS. Ngoài ra, có thể khuyến khích cả tập thể lớp tham gia tìm hiểu một tác phẩm. Một tiết học văn có thể là một tiết các nhóm thay nhau lên trình diễn một tiểu phẩm nào đó từ các tác phẩm cụ thể.

 

Đừng ép học sinh thành nhà phê bình văn học
Nhiều ý kiến cho rằng học văn là giúp học sinh tự tìm đến tác phẩm, tự cảm thụ - cảm nhận theo cách của mình - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

 

Người ta không thích cho con em mình học văn vì thấy nó vô bổ. Ông có nghĩ rằng nếu việc dạy văn đạt được mục tiêu bồi dưỡng tâm hồn con người như ông nói ở trên thì sẽ khuyến khích nhiều người thích học văn?

Muốn vậy thì cái tối thiểu hoạt động dạy học môn văn trong trường phổ thông phải đạt được là làm cho trẻ con không sợ văn mà yêu văn. Như nhà tôi chẳng hạn, trẻ con đến giờ văn là thấy e ngại vì nó buồn tẻ. Thời tôi đi học phổ thông thì ngược lại, giờ văn rất hấp dẫn. Có những thầy dạy rất hay, vào lớp là kể chuyện, chuyện các nhân vật trong tác phẩm Những người khốn khổ của Victor Hugo. Có thầy kể chuyện Thủy Hử, Tam Quốc diễn nghĩa. Học trò ngồi cứ há hốc mồm ra nghe. Không hẳn vì chuyện hay mà ở cách biểu đạt rất cá tính của những ông thầy. Hồi ấy làm gì đã có SGK. Mỗi thầy là một tác giả “cuốn SGK” của chính mình. Có thể vì thế mà các thầy mới dạy được thoải mái như thế.

 

Phân tích, mổ xẻ tác phẩm là việc của nhà phê bình, không phải của HS

Tiến sĩ Phan Hồng Giang kể rằng hiệu trưởng một trường ĐH thuộc khối năng khiếu nghệ thuật nói: “Nếu phải làm đề văn của Bộ GD-ĐT ra thì tôi có lẽ chỉ được 3 điểm”. Tôi nói, vậy là ông giỏi, còn tôi may ra chỉ được 2 điểm! Thật như thế! Người làm phê bình văn học chuyên nghiệp như tôi vớ phải những bài tập cấp THCS kiểu như phân tích nghệ thuật xây dựng nhân vật, thủ pháp tu từ nọ kia cũng khó làm được đúng ý các tác giả SGK. Tôi đồ rằng các nhà văn - những người viết ra các tác phẩm đó - cũng không làm được. Nhà văn ngồi viết là viết, sức mấy mà họ so đo đong đếm xem mình sẽ dùng những biện pháp tu từ gì! Phân tích, mổ xẻ tác phẩm là việc của nhà phê bình, ngay cả thầy cô giáo dạy văn cũng chưa chắc làm tốt được, sao lại bắt HS phải làm?

 

 

Chương trình quá nặng

Chương trình ngữ văn hiện nay quá nặng, giảm tải chỉ mang tính hình thức. Tính bình quân, một tác phẩm văn xuôi chỉ khoảng 2 tiết, tác phẩm thơ 1 tiết. Do vậy, HS chủ yếu học thuộc lòng, nắm ý là chính.

Thạc sĩ NGUYỄN THỊ THU HIỀN
(giáo viên văn Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ, Q.4, TP.HCM)

Không dạy cảm thụ, chỉ dạy học thuộc lòng

Chúng ta cũng không thể thay đổi được gì nhiều. Chính vì vậy, chúng ta cần phải làm cuộc cách mạng từ gốc. Nghĩa là, phải dạy văn theo lối cảm thụ tác phẩm ngay từ bậc tiểu học.

Nên đưa thêm tác phẩm đương đại để HS cảm thấy gần gũi và dễ cảm thụ. Đề thi cũng không nên ra tác phẩm đã dạy mà cho ra tác phẩm khác. Điểm số, cách hành văn của các em sẽ đánh giá được mức độ cảm thụ văn học và cách diễn đạt của các em để tránh hiện tượng văn mẫu, học vẹt...

NGUYỄN THỊ MỸ LIÊN
 (giáo viên dạy văn Trường THPT Nhân Việt TP.HCM)

Minh Luân (ghi)

 

Hồ Ngọc
(thực hiện)

http://www.thanhnien.com.vn/Pages/20130221/Dung-ep-hoc-sinh-thanh-nha-phe-binh-van-hoc.aspx

 

2509

TIN GIÁO DỤC

Thuyết hành vi cổ điển của Palov (23-07-2016)

Giáo dục ngoài trời thúc đẩy sự phát triển của trẻ (23-07-2016)

10 kĩ năng đặt câu hỏi của giáo viên (04-06-2016)

Khi thầy dạy trò phản biện (15-05-2016)

Học tập qua dự án: Lược sử (14-04-2016)

Học tập chuyển hóa (18-03-2016)

Giáo dục đạo đức học sinh: Lý thuyết và thực tế còn bất cập (29-02-2016)

Con trẻ vô tâm, vì sao? (31-01-2016)

Mỹ: dạy triết học cho trẻ từ 5 tuổi (31-01-2016)

Bí quyết dạy học của các giáo viên đoạt giải tại Mỹ (30-08-2015)

Xem thêm ...