Một trong những mối quan hệ thiêng liêng theo đạo lý của người Việt đang có nguy cơ bị xem thường.
Thời gian qua có hàng loạt trường hợp giáo viên không hành xử theo đạo đức của một người làm thầy, học sinh không thực hiện đúng khuôn phép của đạo làm trò.
Lỗ hổng từ trường sư phạm
|
Bà Hoàng Thị Diễm Trang - Hiệu phó Trường THPT Gia Định, nhìn nhận nguyên nhân từ gốc: “Hiện nay, trường sư phạm đào tạo giáo viên đã bỏ qua hoặc không chú trọng giảng dạy về vấn đề đạo đức, cư xử đúng mực giữa thầy trò. Hằng năm có nhiều giáo sinh các trường sư phạm về thực tập tại trường, tôi nhận thấy, các em không có sự chuẩn bị tốt về cách cư xử và chuẩn mực đạo đức cần thiết đối với một người hành nghề. Bởi ở trường họ không học thì làm sao có thể trách họ được”. Giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Thiện Tống - nguyên giảng viên Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, cho rằng văn hóa ứng xử trong nhà trường đang xuống cấp trầm trọng, suy đồi về mặt đạo đức. Hiện nay, thầy - trò thường thiếu kiềm chế và chọn cách cư xử không đúng chừng mực mỗi khi xảy ra va chạm. Vì lẽ đó dễ dẫn tới những hành động “lệch chuẩn”. Chính vì thực tế này mà Phó giáo sư Văn Như Cương - Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) đề nghị: “Ngành sư phạm cần đưa vào dạy một chương trình đạo đức toàn diện cho sinh viên tất cả các ngành chứ không chỉ chú trọng riêng ngành giáo dục công dân”.
|
Vào cuối năm 2009, tại Trường ĐH Sư phạm TP.HCM đã diễn ra hội thảo khoa học với chủ đề “Giáo dục văn hóa giao tiếp trong nhà trường”. Trước thực trạng bạo lực học đường, hiện tượng suy đồi đạo đức ở một vài cá nhân trong ngành, nhiều đại biểu tham dự cho rằng, trường học các bậc cần cấp thiết xây dựng văn hóa ứng xử “đạt chuẩn”, mà người thầy giữ vai trò trung tâm.
Quá lỏng lẻo
Bà Nguyễn Thị Thương - Giám đốc Trung tâm tư vấn gia đình và ly hôn, kể câu chuyện riêng để chỉ ra rằng quan hệ thầy trò hiện vô cùng lỏng lẻo. Bà Thương nói: “Tôi có đứa cháu nội học lớp 12. Có lần, cháu bị bệnh thủy đậu nên phải nghỉ hai ngày đúng vào dịp thi giữa học kỳ. Giáo viên không một lời hỏi thăm sức khỏe mà chỉ muốn biết lúc nào cháu đi học lại. Không những thế, cháu còn bị “xơi” điểm 0 môn sử vì không dự thi được. Cháu tôi rất hụt hẫng, không chỉ vì chuyện sức khỏe và điểm trung bình của môn sử bị tụt thê thảm mà còn vì cách hành xử của nhà trường”.
Theo bà Thương, những lỗ hổng trong đội ngũ giáo viên có nguyên nhân từ đầu vào dễ dãi của trường sư phạm. Bà tỏ vẻ bức xúc: “Tôi thấy ngạc nhiên khi có một số giáo viên dạy môn tự nhiên cho rằng, họ không có thời gian và cũng rất khó lồng ghép dạy làm người cho học sinh trong những môn học đó”.
Ở góc độ khác, bà Thương cũng nhìn nhận: “Bố mẹ là người thầy đầu tiên giáo dục con cái. Tuy nhiên, cơ chế phối hợp giữa gia đình với nhà trường bây giờ rất lỏng lẻo. Nhiều gia đình gần như khoán trắng cho nhà trường trong việc giáo dục con cái”.
Như Lịch - Minh Luân
http://www.thanhnien.com.vn/pages/20120824/de-quan-he-thay-tro-luon-thieng-lieng.aspx
2504