Dạy học qua tranh biếm

Hai sinh viên Khoa Địa lý Trường ĐH Sư phạm TP.HCM đã đưa ra phương pháp dạy học đặc biệt khi lồng ghép tranh biếm họa vào tiết giảng.  

Hiệu ứng tích cực

Sinh viên Nguyễn Văn Tư cho rằng học bằng tranh biếm họa học sinh (HS) không chỉ có được tiết học vui tươi mà còn nhớ rõ kiến thức.

Tư và bạn học của mình, Nguyễn Thị Thu Hương  đã làm biểu mẫu so sánh tại lớp 10A3 và 10A14 (Trường THPT Trần Hưng Đạo, Q. Gò Vấp, TP.HCM, nơi 2 bạn thực nghiệm sư phạm) và có những thông tin khá lý thú. Trong cùng một bài học, cùng 5 câu hỏi liên quan, nhưng số HS lớp 10A3 (dùng tranh biếm họa giảng dạy) trả lời được 5/5 câu hỏi, cao hơn 2 lần số học sinh lớp 10A14 (dạy bằng phương pháp thông thường). Số lượng HS trả lời được 3/5 câu hỏi của lớp 10A3 cao hơn 3 lần so với 10A14. Tư cho biết: “Tổng thể, có 95% HS trả lời được gần tối đa số câu trắc nghiệm xoay quanh bài học, ở lớp không học bằng tranh biếm họa con số này chỉ 35%. Gần  70% HS trong lớp không học bằng tranh biếm họa chỉ trả lời được khoảng phân nửa câu hỏi, số lượng này ở lớp học bằng tranh biếm họa chỉ 5%”. 

 

 Dạy học qua tranh biếm
Nguyễn Văn Tư và tài liệu bài giảng có tranh biếm họa khiến học sinh thích thú - Ảnh: M.L


Gây ấn tượng nên nhớ lâu

 

Qua quá trình thực nghiệm, hai sinh viên cho rằng tranh biếm họa đã tạo nên không khí vui tươi cho lớp. Đầu tiên nhìn tranh, HS sẽ thấy buồn cười, mỗi em có một nhận định, suy luận khác nhau về ý nghĩa của bức tranh. Khi không khí đã háo hức, trạng thái tâm lý giãn ra, HS  sẽ tiếp thu tốt bài học. 

Nguyễn Văn Tư dẫn chứng: “Mình đã dùng ảnh biếm họa vòi nước nhỏ từng giọt vào con heo đất để giúp HS nhớ được nội dung trong bài Thủy quyển - một số nhân tố ảnh hưởng tới chế độ nước sông, một số sông lớn trên trái đất trong SGK địa lý lớp 10. Nhưng sâu xa hơn là giáo dục tư tưởng cho học sinh về vấn đề tiết kiệm nước”. Tương tự, tranh biếm họa vẽ một thùng rác dùng tay níu áo người đàn ông đang xả rác bừa bãi với một đề nghị dí dỏm “Em… Em không xin tiền, chỉ xin ông anh một chút ý thức” vừa tạo chi tiết hài, vừa mở rộng thêm kiến thức liên quan đến bài Môi trường và sự phát triển bền vững. Chưa hết, đó còn là dụng ý: kêu gọi mọi người hãy bảo vệ môi trường, không xả rác bừa bãi…

Tiến sĩ Nguyễn Văn Luyện - Phó khoa Địa lý Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, người trực tiếp hướng dẫn cho 2 sinh viên, nói: “Trong chương trình dạy, có một phần nhỏ về tranh ảnh phục vụ giảng dạy. Nội dung này chưa đến một tiết học. Nhưng Tư đã lanh trí, nắm bắt nhanh và triển khai thực hiện đổi mới phương pháp. Trong SGK, sách hướng dẫn ở các nước, nhất là Pháp, người ta dùng rất nhiều tranh biếm họa phục vụ giảng dạy nhưng ở nước ta thì hiếm dùng”.

Đề tài “Sử dụng tranh biếm học trong dạy học địa lý” của Tư và Hương vừa đoạt giải nhì trong nghiên cứu khoa học cấp trường. Điều mà hai sinh viên mong muốn là từ một bức tranh biếm họa, HS vừa nắm được những kiến thức cơ bản liên quan đến chương trình học vừa rút ra được những ý nghĩa thiết thực về xã hội, đời sống dân sinh...

Minh Luân

http://www.thanhnien.com.vn/pages/20120629/day-hoc-qua-tranh-biem.aspx

2164

TIN GIÁO DỤC

Thuyết hành vi cổ điển của Palov (23-07-2016)

Giáo dục ngoài trời thúc đẩy sự phát triển của trẻ (23-07-2016)

10 kĩ năng đặt câu hỏi của giáo viên (04-06-2016)

Khi thầy dạy trò phản biện (15-05-2016)

Học tập qua dự án: Lược sử (14-04-2016)

Học tập chuyển hóa (18-03-2016)

Giáo dục đạo đức học sinh: Lý thuyết và thực tế còn bất cập (29-02-2016)

Con trẻ vô tâm, vì sao? (31-01-2016)

Mỹ: dạy triết học cho trẻ từ 5 tuổi (31-01-2016)

Bí quyết dạy học của các giáo viên đoạt giải tại Mỹ (30-08-2015)

Xem thêm ...