Nhiều hướng đi sau phổ thông

TT - Sáng 25-3, lần đầu tiên chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp của báo Tuổi Trẻđến với học trò miền biên giới phía nam của Tổ quốc: Trường THPT Hà Tiên (thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang)..

Chương trình do báo Tuổi Trẻ, Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT phối hợp với Tỉnh đoàn Kiên Giang tổ chức.

 

Thạc sĩ Hứa Minh Tuấn tư vấn cho học sinh - Ảnh: Trần Huỳnh

 

Những con phố của thị xã Hà Tiên trong buổi sáng chủ nhật cuối cùng của tháng 3-2012 trở nên nhộn nhịp khác thường với hàng ngàn học sinh nô nức đến tham dự chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp.

Trực tiếp đưa học sinh đến chương trình, sắp xếp chỗ ngồi cho từng học sinh, thầy Nguyễn Công Thắng - hiệu trưởng Trường THPT Thoại Ngọc Hầu (huyện Giang Thành) - tâm sự: “Không chỉ học sinh, có nhiều giáo viên cũng đi dự tư vấn. ở vùng kinh tế đặc biệt khó khăn, cả thầy trò đều rất cần thông tin”.

“Nhiều lối dẫn đến thành công”

Xuyên suốt chương trình, học trò thị xã Hà Tiên, các huyện Kiên Lương, Giang Thành... tỏ ra “biết mình biết ta” khi liên tục đưa ra những thắc mắc về không đủ sức thi ĐH, cũng có học sinh băn khoăn việc “gia đình muốn em vào ĐH nhưng năng lực của em khó vào được ĐH”, phải làm sao?...

TS Lê Thị Thanh Mai - ĐHQG TP.HCM - tư vấn: “Vào ĐH là một ước mơ chính đáng. Tuy nhiên thực tế nhiều khi không như mình mong muốn. Có khi gia đình không đủ điều kiện lo cho em học ĐH và cũng có khi em không đủ sức thi ĐH mà gia đình cứ ép phải thi... Môi trường học ĐH hoàn toàn khác bậc THPT. Bậc ĐH định hướng cho em đến một nghề nghiệp cụ thể trong tương lai. Do đó nếu vì lý do nào đó buộc phải học ngành mình không yêu thích thì kết quả sẽ không tốt hoặc sẽ chán nản và bỏ học”.

Ngoài ra, TS Mai tư vấn thêm khi xác định không đủ năng lực để vào ĐH, thí sinh nên chọn bậc học thấp hơn như CĐ hay trung cấp, học nghề. “Hệ thống trường nghề chỉ xét tuyển dựa trên kết quả học THPT hoặc THCS. Các em cũng có thể theo học chương trình vừa làm vừa học hoặc học theo hình thức đào tạo từ xa. Dù chúng ta chọn lối đi nào chăng nữa, các em đừng quên rằng việc học là suốt đời. Có như vậy mới có thể thành công” - TS Mai nói.

ThS Hồ Minh Triết, hiệu trưởng Trường CĐ Kinh tế - kỹ thuật Kiên Giang, khẳng định: “Có muôn vàn lối đi phù hợp với năng lực, sở thích của bạn và lối nào cũng đi đến thành công nếu bạn chọn đúng hướng và nỗ lực hết mình”.

Chọn hướng liên thông...

ThS Hồ Minh Triết tư vấn thêm: “Thực tế không phải ai cũng đủ sức đậu ĐH. Hiện tỉnh nào cũng có hệ thống trường CĐ, trung cấp với đủ ngành nghề trong xã hội cho học sinh lựa chọn. Do đó, các em hoàn toàn có thể chọn ngành mình yêu thích ở bậc CĐ, sau đó liên thông lên ĐH. Có hai loại liên thông từ trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề liên thông lên ĐH từ 3-3 năm rưỡi và từ CĐ lên ĐH 1 năm rưỡi”.

ThS Trương Thị Trúc Loan - trưởng phòng đào tạo Trường CĐ Nghề Kiên Giang - cũng cho rằng “khi các bạn không đủ khả năng vào ĐH thì còn nhiều lối khác để có tương lai xán lạn”. Cô Loan nói: “Tại nhiều trường CĐ nghề, khi ra trường tỉ lệ có việc làm từ 90-100% với mức lương khởi điểm từ 2,5 triệu đồng/tháng trở lên. Nhiều xí nghiệp, công ty cũng đặt hàng cho nhiều trường về các ngành cơ khí, kỹ thuật, du lịch, kế toán, nông nghiệp... nhưng trường không đủ cung cấp. Đặc biệt, ngành cắt gọt kim loại hiện có việc làm 100%”.

ThS Huỳnh Trương Lệ Hồng - Trường ĐH Y dược TP.HCM - đưa ra lời khuyên nếu sức học ở mức trung bình, yếu thì các em không nên thi vào ĐH dược vì điểm chuẩn ngành này rất cao. Do đó các em có thể thi ĐH khối B để xét vào bậc CĐ ngành dược của Trường CĐ Y tế. Nếu vẫn không trúng tuyển, các em có thể sử dụng học bạ THPT để xét tuyển vào bậc trung cấp ngành dược của trường này...

“Theo thống kê, tỉ lệ học sinh tốt nghiệp TCCN các ngành xét nghiệm, kỹ thuật hình ảnh, gây mê hồi sức và vật lý trị liệu tại Trường ĐH Y dược TP.HCM có việc làm trên 70%. Nếu các em học bậc trung cấp những ngành này trở về địa phương thì đảm bảo sẽ có việc 100%” - ThS Hồng khẳng định.

Tuy nhiên, nhiều học sinh quan tâm tới nhóm ngành y dược lại tỏ ra không yên tâm với việc học liên thông vì “không biết nếu học TCCN, CĐ dược có thể liên thông lên ĐH và chuyển sang bác sĩ?”.

BS chuyên khoa II Thái Viết Tặng - phó hiệu trưởng Trường CĐ Y tế Kiên Giang - cho hay: “Nếu muốn vào ĐH ngành dược, điểm đầu vào rất cao. Trong khi Trường CĐ Y tế Kiên Giang cũng tuyển sinh các ngành này (bậc CĐ các ngành điều dưỡng, dược và hộ sinh) có điểm chuẩn thấp hơn. Nhà trường không tổ chức thi tuyển nên muốn dự thi vào trường các em phải thi nhờ khối B ở một trường khác để xét tuyển vào trường. Bậc trung cấp trường có đào tạo các ngành dược, y sĩ và điều dưỡng nha, xét tuyển từ kết quả học THPT. Học xong trung cấp, CĐ có thể liên thông lên CĐ, ĐH. Tốt nghiệp y sĩ, liên thông lên bác sĩ sẽ mất bốn năm nữa”.

 

Lập tổ điều hành hỗ trợ chương trình

Chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2012 tại Hà Tiên (Kiên Giang) đã để lại nhiều ấn tượng và nhiều tình cảm với các thành viên ban tư vấn cũng như ban tổ chức chương trình bởi sự nhiệt tình, mến khách của địa phương.

Khi nhận được kế hoạch tổ chức chương trình này, Thị ủy, UBND thị xã Hà Tiên đã thành lập tổ điều hành hỗ trợ chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2012 do thầy Trịnh Phú - trưởng Phòng giáo dục thị xã Hà Tiên - làm tổ trưởng.

 Tổ điều hành này có đủ các thành phần: y tế, công an, thanh niên... Ngành y tế địa phương cử hẳn một xe cấp cứu có bác sĩ trực, chuẩn bị đầy đủ thuốc men sơ cấp cứu đến nơi diễn ra chương trình đề phòng sự cố. Phòng văn hóa thị xã còn tự nguyện nhận nhiệm vụ treo băngrôn thông tin chương trình trên các đường phố.

Trước ngày diễn ra chương trình, toàn thể giáo viên, học sinh Trường THPT Hà Tiên đã ở lại đến tối mịt tập trung dọn dẹp, chuẩn bị mọi điều kiện tổ chức chương trình.

 

http://tuoitre.vn/Giao-duc/483999/Nhieu-huong-di-sau-pho-thong.html

 

2470

TIN GIÁO DỤC

Thuyết hành vi cổ điển của Palov (23-07-2016)

Giáo dục ngoài trời thúc đẩy sự phát triển của trẻ (23-07-2016)

10 kĩ năng đặt câu hỏi của giáo viên (04-06-2016)

Khi thầy dạy trò phản biện (15-05-2016)

Học tập qua dự án: Lược sử (14-04-2016)

Học tập chuyển hóa (18-03-2016)

Giáo dục đạo đức học sinh: Lý thuyết và thực tế còn bất cập (29-02-2016)

Con trẻ vô tâm, vì sao? (31-01-2016)

Mỹ: dạy triết học cho trẻ từ 5 tuổi (31-01-2016)

Bí quyết dạy học của các giáo viên đoạt giải tại Mỹ (30-08-2015)

Xem thêm ...