​Những chuyện không đẹp của sinh viên

 

TT - Với khá nhiều trí thức tương lai của đất nước, việc cư xử tử tế là chuyện... xa xỉ!

              

  

Một nhóm sinh viên Trường ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia TP.HCM) đi dàn hàng ngang dưới lòng đường dành cho xe máy dù vỉa hè phía bên cạnh thông thoáng - Ảnh: Quang Định

Hút thuốc trong giảng đường, đi học trễ, bỏ rác vào hộc bàn, chạy xe trong sân trường, lãng phí điện nước ký túc xá... là thói quen thường ngày của nhiều sinh viên.

Sống kiểu “ta là trên hết”!

Cách đây vài tuần, ban tổ chức chương trình live show ca nhạc của ca sĩ Mỹ Tâm ở TP.HCM tặng vé miễn phí cho sinh viên. Nhân cơ hội này nhiều sinh viên - dù không có nhu cầu xem - vẫn đăng ký nhận vé miễn phí để... bán lại giá cao cho sinh viên khác!

Kể câu chuyện trên để thấy rằng hiện nay một bộ phận sinh viên sống rất thực dụng, tìm mọi cách để làm lợi cho bản thân, kể cả những cách gọi nôm na là “chơi xấu” với bạn bè mình và người xung quanh!

Các bạn làm việc hay học tập một cách đối phó, ít tham gia công tác xã hội nhưng vẫn muốn điểm rèn luyện cao, vì thế đi dự hoạt động Đoàn-Hội thì chỉ cần... điểm danh xong rồi về. Tham dự rất nhiều sân chơi học thuật của sinh viên, chúng tôi nhận thấy có tình trạng khá nhiều sinh viên đến hội thảo chỉ để... tham gia bốc thăm trúng thưởng, lãnh quà xong thì kéo nhau tíu tít ra về, chẳng màng gì tới nội dung hội thảo...

Thậm chí nhiều đơn vị tổ chức các sân chơi này còn nói thẳng: “Phải có quà nhiều nhiều, kha khá sinh viên mới chịu tới. Quà ít thì đừng mong cuốn hút được ai!”.

Dạo quanh khuôn viên các trường đại học, chúng tôi chứng kiến thêm nhiều hình ảnh đáng thất vọng của sinh viên, đặc biệt là ý thức tự giác chấp hành nội quy của nhà trường.

Một lần, người viết có dịp ăn trưa tại căngtin một trường đại học trực thuộc ĐHQG TP.HCM ở Q.Thủ Đức (TP.HCM). Ở đây có quy định sinh viên tự phục vụ đồ ăn thức uống và thu dọn sau khi ăn xong. Tuy nhiên, quan sát xung quanh chúng tôi thấy rất nhiều bạn ăn xong để nguyên khay thức ăn ở bàn rồi quay lưng ra về. Hỏi một sinh viên nếu ăn xong để lại khay trên bàn thì ai sẽ dọn, bạn trả lời: “Trước sau gì cũng có người... ngứa mắt mà dọn giùm thôi. Chuyện này xảy ra thường xuyên ấy mà”.

Tại Trường ĐH Văn hóa TP.HCM, ba năm nay sinh viên không có bãi đậu xe nên phải để xe ở khuôn viên sân trường. Nhiều lần người viết chứng kiến hình ảnh sinh viên vô tư nổ máy chạy xe trong sân trường, dù nhà trường đã có quy định yêu cầu phải xuống xe, tắt máy, dẫn bộ.

Hỏi một bạn sinh viên thì có ngay câu trả lời: “Dẫn bộ hơi xa, với lại cứ lái vô, khi nào bảo vệ nhắc nhở thì xuống xe tắt máy, có sao đâu!”. Không chỉ thế, sinh viên còn để xe lộn xộn, không đúng vị trí, chắn ngang đường đi. Khi bị nhắc nhở, các bạn lại cho rằng việc đó là của nhân viên giữ xe hay đổ thừa cho việc đi trễ, vội lên lớp cho kịp giờ...

Trong môi trường của những người được học hành tới nơi tới chốn, nhiều chuyện không tử tế diễn ra khắp nơi. Ở con đường trước ký túc xá ĐHQG TP.HCM, người ta thường thấy nhiều nhóm sinh viên tập trung trải báo ngồi, ăn uống nhưng khi đứng dậy vô tư để lại báo, ly nhựa, thức ăn rơi vãi khắp mặt đường.

Tại các khu vực tự học, giảng đường, nhiều bạn học xong ra khỏi phòng không tắt điện, tắt quạt vì cứ nghĩ không phải việc của mình. Nhiều bạn mang bánh tráng trộn, nước mía vào phòng học ăn uống, xong tiết học lại bỏ túi nilông, ly nhựa vào hộc bàn...

Thời của “tranh thủ là cao thủ!”

Từ bức thư của một bạn sinh viên gửi đến diễn đàn, câu chuyện sống kiểu “tranh thủ” của không ít sinh viên được lộ diện. Xin trích đăng bức thư này:

“... Tôi là sinh viên năm 4 Trường đại học Kiến trúc Hà Nội. Tôi thuê trọ cách trường hơn một cây số. Khu trọ của tôi gồm năm phòng, ngay kế sau nhà chủ nhà. Mỗi phòng đều có côngtơ điện nước riêng, dùng bao nhiêu trả bấy nhiêu. Vì có hai ổ cắm điện chung cho cả dãy trọ nên mấy phòng tranh thủ “cắm nhờ” những lúc chủ nhà đi vắng.

Những khi phòng nào đó chuyển đi mà chưa có người mới đến ở, thế là một số bạn trong xóm trọ sẽ lại đua nhau tranh thủ dùng điện miễn phí bằng cách cắm nước để uống, cắm cơm trong ổ điện phòng đó mà chủ nhà chẳng hay biết.

Chẳng ai bảo ai, cứ theo quan điểm “tranh thủ là cao thủ”, khi tôi góp ý kiến bị nhìn như người lạ: “Có là thánh bà chủ nhà cũng chẳng biết được. Tiết kiệm được ít nào tốt ít nấy thôi, gần 4.000 đồng một số điện chứ ít à”. Tôi vì không tham gia trò tiết kiệm điện phòng mình, xài chùa điện của chủ nhà nên bị quy cho là “sĩ không phải kiểu” hay “đã là sinh viên thì hoàn cảnh như nhau, ngu gì mà không xài”.

Nhiều bạn còn nối đường dây điện từ ổ cắm của chủ nhà về phòng để đỡ tiền điện phòng mình. Có người lại nối Internet chung với chủ nhà rồi chia ra thành các cổng để người khác cùng dùng, thành ra không phải đóng tiền điện, tiền Internet mà vẫn có dùng miễn phí.

Một điều tôi khá bức xúc nữa là mỗi khi có người vào thu tiền vệ sinh thì một số bạn lại trốn, có khi vào nhà tắm, có khi vào nhà vệ sinh. Mỗi năm thu hai lần nên tính ra mỗi người chỉ phải đóng vài chục nghìn một quý thôi. Thế nhưng khu trọ tôi đều “né” theo kiểu nếu phòng sống ba người thì chỉ khai hai người, đóng hai suất. Nếu hai người sống chỉ khai một người. Với mọi người, bớt xén được như vậy có vẻ hả hê lắm.

Khi cô thu tiền vệ sinh hỏi: “Sao trong nhà có ba người mà chỉ khai hai người?” thì bạn bao biện: “Đây là người bạn của cháu đến chơi ạ”. Chỉ đến khi người thu tiền đi rồi thì một số bạn ẩn nấp mới chui ra. Mỗi năm cứ chứng kiến hai lần gian dối như thế mà tôi thấy buồn. Tôi thắc mắc sao chỉ có vài chục nghìn mà phải khổ sở thế thì một bạn trả lời khảng khái rằng: “Là sinh viên phải biết tiết kiệm chứ!”.

Tiết kiệm đấy nhưng là kiểu tiết kiệm gian dối, tiết kiệm nhà mình nhưng lại xài chùa của nhà người khác, tôi chỉ biết lắc đầu, thấy mà lẽ nào cứ phải làm ngơ?”.

Dựa trên thực tế hành xử hiện nay trong một bộ phận người trẻ: cái chưa đẹp, thậm chí cái xấu trở nên phổ biến, điều tử tế thành hiếm hoi, đôi khi làm việc tốt lại hóa lố bịch giữa cộng đồng...

Nhịp sống trẻ mở diễn đàn “Đâu rồi, chuyện tử tế?”, đón nhận ý kiến nhiều chiều của bạn đọc về chuyện cư xử giữa người và người hiện nay, nhằm hướng tới việc xây dựng thói quen ứng xử có văn hóa, đậm chất nhân văn cho giới trẻ. Bài vở, ý kiến tham gia diễn đàn xin gửi về địa chỉ nhipsongtre@tuoitre.com.vn hoặc chuyentute@tuoitre.com.vn

PHƯỚC TUẦN - NGUYỆT LINH - BẢO THOA

 (Nguồn: http://tuoitre.vn/tin/nhip-song-tre/20141206/nhung-chuyen-khong-dep-cua-sinh-vien/681060.html)

2790

GÓC SINH VIÊN

Hội nhập vào năm nhất đại học (24-10-2015)

Trưởng thành từ trại thực nghiệm (12-07-2015)

Sinh viên ỷ lại, thiếu kỹ năng giao tiếp và... ỳ (06-12-2014)

57% sinh viên sư phạm không biết kềm chế cơn giận (26-08-2012)

Những kỹ năng sinh viên Việt Nam cần biết (26-04-2012)