Đổi mới phương pháp dạy học được các nhà trường triển khai bằng nhiều cách làm, phương thức khác nhau. Mới đây, cụm các trường THPT Đống Đa đã đưa ra một cách nhìn mới về đổi mới phương pháp dạy học qua Hội thảo “Đổi mới phương pháp dạy học phải bắt đầu từ tạo sinh khí dạy và học”. Hội thảo được tổ chức tại trường THPT Phan Huy Chú - nơi đang diễn ra mạnh mẽ phong trào tạo sinh khi trong dạy và học.

Sinh khí sôi nổi trong giờ dạy Văn của cô giáo Kim Anh, trường THPT Phan Huy Chú

Sinh khí sôi nổi trong giờ dạy Văn của cô giáo Kim Anh, trường THPT Phan Huy Chú

Xác định mục tiêu về thái độ dạy học
 

Cô giáo Nguyễn Thị Nhiếp- Hiệu trưởng trường THPT Phan Huy Chú cho rằng: Tạo sinh khí là để phá vỡ những khuôn cứng và trì trệ trong dạy và học. Người giáo viên cần thấy rằng, trong mỗi giờ học, học sinh luôn muốn có được sự hấp dẫn và thú vị. Chỉ có sự hấp dẫn mới lôi cuốn sự tập trung chú ý của các em. Sinh khí giúp các em chủ động, hứng khởi hơn trong quá trình học bài, từ đó kiến thức đọng lại sẽ sâu sắc hơn…

Theo cô Nhiếp, giống như bản nhạc của một ca khúc luôn có phần “định hướng thái độ hát” như: nhiệt tình sôi nổi hay sâu lắng, thiết tha thì xác định mục tiêu, thái độ dạy học thế nào để tạo sinh khí cũng như vậy. Xác định thái độ dạy không thua kém yêu cầu về xác định nội dung, phương pháp. Để có sinh khí xin đừng hì hục kéo cỗ xe kiến thức vào giữa giờ dạy và chất đủ các khối lượng mà ta nghĩ là cần cho trò.

Về phía học sinh, các em rất cần được thầy tạo cho tâm thế vào giờ học, để  ngắt người học khỏi những trò chơi, câu chuyện từ giờ nghỉ, tách khỏi tâm thế của giờ học môn khác. Tâm thế của trò cần ở “cơ chế mở” để đón thông tin. Người thầy không thể để học trò thấy e sợ, lo lắng mà phải giúp các em tự tin và thoải mái..


 

Sinh khí bắt đầu từ người thầy
 

Cô Nguyễn Thu Hà, Phó Hiệu trưởng trường THPT Lê Quý Đôn tâm huyết: “Vấn đề đặt ra là nhà trường cần làm gì để khơi dậy và tiếp thêm lửa nhiệt tình cho các thầy cô giáo, cùng các thầy cô “tạo sinh khí trong dạy và học”, góp phần đổi mới dạy học? Việc chúng tôi đã và đang cố gắng làm tốt là tạo sinh khí chuyên môn bằng cách: Đa dạng hóa các hình thức sinh hoạt chuyên môn, tổ chức cho giáo viên tiếp cận với những phương pháp và kĩ thuật dạy học tích cực, hiện đại và động viên, khuyến khích, tạo điều kiện để các thầy cô giáo tích cực học tập, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn nghiệp vụ. Giáo viên có thể tạo sinh khí bằng việc tạo cảm hứng học tập ngay từ đầu tiết học, khơi gợi tâm lí thoải mái cho học sinh, có thể truyền lửa nhiệt tình cho học sinh trong giờ giảng thông qua giọng điệu và cử chỉ, và quan trọng nhất là chất lượng bài giảng có sức cuốn hút”.
 


Thầy giáo Hà Văn Thọ - giáo viên dạy Toán trường THPT Phan Huy Chú nhận định: “Trước khi bắt đầu một bài giảng, nếu không khí lớp học căng thẳng hoặc uể oải thì sẽ khiến cho giờ học trở nên không hiệu quả. Để tạo không khí thân thiện đơn giản là việc hỏi thăm sức khỏe một cách dí dỏm, kể một câu truyện hài ngắn gọn....chung quy là cần làm được một việc: cười. Khi bắt đầu một bài mới, đại đa số học sinh đều thắc mắc là học làm gì, liên quan gì đến bài trước. Chính vì vậy nếu các thầy cô giáo có thể dẫn dắt từ bài trước sang bài mới, từ một thực tế đến bài mới, từ một vướng mắc sang bài mới thì chắc chắn học sinh sẽ cảm thấy hứng thú hơn và muốn tìm hiểu xem nội dung của bài mới là gì. Như thế việc vào bài mới sẽ trở thành nhu cầu của học sinh và nhờ đó cũng sẽ tạo hưng phấn cho chính các thầy cô giáo khi giảng bài.”

Cũng như vậy, cô giáo Lương Thị Kim Thanh, giáo viên dạy Ngữ văn trường THPT Đống Đa cho rằng: Nếu như trước đây một giờ dạy tốt trong môn Văn đồng thời là một giờ dạy hay. Học sinh có thể say mê đọc sách, say sưa nghe giáo viên bình văn. Thầy và trò là những người tri âm, đồng cảm. Người thầy rót vào tai trò những điều thầy tâm đắc thì giờ đây lại có thêm những yêu cầu mới để phù hợp với đối tượng học sinh hiện nay, bởi học sinh hiện nay nhất là học sinh thành thị được tiếp xúc với xã hội từ rất sớm… Có những điều mà người dạy cho là chuẩn mực đạo đức thì học sinh lại không nhất trí như vậy. Với thực tế đó, chúng tôi xác định: trong giờ Ngữ Văn học sinh không chỉ tiếp nhận kiến thức, trải nghiệm cảm xúc, mà học sinh còn được bày tỏ ý kiến và quan niệm của cá nhân, tham khảo ý kiến đa chiều và rèn luyện kỹ năng sống…

 

Từ hai tháng trước, cuộc vận động “Đổi mới phương pháp dạy học phải bắt đầu từ tạo sinh khí dạy và học” đã đến với từng thầy, cô giáo trường Phan Huy Chú – Đống Đa và ít nhiều mang “sinh khí” mới cho trường này. 100% thầy cô giáo đã viết tham luận và thuyết trình ở các tổ chuyên môn, trong ngày sinh hoạt chuyên môn toàn trường. Các thầy cô ở đây cùng gọi vui là “Ngày sinh khí”.
 

Sinh khí đến từ cả thầy và trò
 

      Theo bàn luận của các thầy cô giáo tham dự hội thảo: Ngày trước, trò phản ứng với những giờ dạy “Nói những điều không cần thiết cho những người không cần biết” bằng quậy phá, nói leo với mục đích “đổi không khí cho lớp vui”. Bây giờ, phản ứng của trò ít bộc lộ như trên mà chủ yếu biểu hiện qua nói chuyện riêng, làm việc riêng, ngủ gục, thiếu hợp tác với thầy, không quan tâm đến bài học. Nhưng để xứng làm thầy thì thực trạng càng gian nan càng cần nỗ lực, không thể buông chèo. Ta buông tay, cảm hứng đứt gẫy, phương pháp trơ cùn, kiến thức rối rắm, thì sinh khí còn đâu? Các giáo viên đều biết rõ việc chuẩn bị trước chu đáo, khi lên lớp dạy sẽ khác hẳn. Đã qua thật rồi cái thời giáo viên tự hào “tay không, đầu nhàn” lên lớp mà giờ dạy thành công trọn vẹn. Thực tế, có khi tình huống sư phạm “trời cho” cộng với tài nghệ của thầy cô tạo thành ứng biến trên bục giảng, tự thoát hiểm rất khéo. Nhưng đây không phải là một thế mạnh, mà là “láu cá” kiểu giải pháp tình thế. Bởi “những cái chết bất ngờ” luôn từ đó. Sinh khí vì thế sút giảm hoặc tan hoang, bê bết cũng từ đó.

Theo cô giáo Hiệu trưởng Nguyễn Thị Nhiếp, các thầy, cô giáo ở trường Phan Huy Chú có quan niệm về sinh khí rất thống nhất, đó là sự hấp dẫn của giờ dạy. Sinh khí đến từ cả thầy và trò. Đó là nỗ lực từ hai phía chứ không chỉ riêng ai. Vì thầy hứng thú, trò thờ ơ hay ngược lại đều là bi kịch của nghề dạy học…Sinh khí tạo sự tương tác giữa thầy và trò. Từ đó mang lại hiệu quả cho mỗi giờ học, sự thân thiện trong các mối quan hệ và trong các hoạt động của nhà trường.

 

                                                                     

Tác giả bài viết: Kim Anh - Hoàng Anh

Nguồn tin: Tạp chí Giáo dục Thủ đô số 40 (tháng 4/2013) 

2172

TIN GIÁO DỤC

Thuyết hành vi cổ điển của Palov (23-07-2016)

Giáo dục ngoài trời thúc đẩy sự phát triển của trẻ (23-07-2016)

10 kĩ năng đặt câu hỏi của giáo viên (04-06-2016)

Khi thầy dạy trò phản biện (15-05-2016)

Học tập qua dự án: Lược sử (14-04-2016)

Học tập chuyển hóa (18-03-2016)

Giáo dục đạo đức học sinh: Lý thuyết và thực tế còn bất cập (29-02-2016)

Con trẻ vô tâm, vì sao? (31-01-2016)

Mỹ: dạy triết học cho trẻ từ 5 tuổi (31-01-2016)

Bí quyết dạy học của các giáo viên đoạt giải tại Mỹ (30-08-2015)

Xem thêm ...