“Mẹ đừng bỏ gì vào balô con nữa!”
TT - Vì sợ con ăn quà vặt ở trường không vệ sinh nên tôi thường bỏ vài hộp sữa tươi vào balô con. Chỉ có vậy, nhưng chẳng may bị bạn bè phát hiện, con rất xấu hổ.
Con trẻ bước vào tuổi dậy thì rất cần sự chia sẻ, cảm thông của cha mẹ - Ảnh: Quang Định |
Về nhà, con cau có: “Từ nay mẹ đừng bỏ bất cứ thứ gì vào balô của con nữa, là con trai ai lại ăn quà ở trường”. Tôi lại nhăn nhó, cho rằng con bày đặt, lắm chuyện.
Dạo này con trai tôi (14 tuổi) trở nên ương bướng, tính khí thất thường. Thi thoảng tôi lại cáu gắt mỗi khi cháu nói trống không. Tôi mắng con là hư hỏng, học theo thói xấu ở đâu rồi về hỗn với mẹ. Con ấp úng chưa kịp giải thích thì tôi lại gạt đi: “Càng lớn con càng khó bảo. Mẹ không muốn nghe con nói gì nữa”.
Hôm qua cô giáo của con gọi điện muốn nói chuyện riêng với tôi. Tôi đoán già đoán non con làm điều gì có lỗi nên cô giáo mới muốn gặp phụ huynh. Cuối giờ làm tôi đến chỗ hẹn gặp cô. Tôi giật mình khi cô hỏi: “Dạo này chắc chị cũng thấy cháu Hiếu có ít nhiều thay đổi?”. Tôi gật đầu, nôn nóng muốn biết lý do tại sao cô hỏi vậy. Tôi còn than thở rằng con trai dạo này rất hay cãi lại, nói năng nhát gừng, nhất là lúc ở trường khi mẹ gọi điện thoại.
Cô giáo cười: “Cháu đang tuổi dậy thì mà chị. Có phải là cháu chỉ nói nhát gừng trong điện thoại với chị khi ở lớp, còn ở nhà lại rất ngoan và lễ phép?”. Tôi giật cả mình, tại sao người mẹ như tôi lại không tinh tế nhận ra điều đó?
Tôi ấp úng: “Vâng, vâng”. Cô giáo nói tiếp: “Lớp em chủ nhiệm toàn các cô cậu đang độ tuổi dậy thì cả. Nên để các em bước vào cái tuổi này không gặp trở ngại gì, em đã thông báo cho cả lớp có gì khó nói cứ hỏi cô. Ban đầu chỉ có một vài học trò nữ tâm sự, về sau các em nam cũng chia sẻ với cô và mong tìm cách giải quyết, trong đó có cả em Hiếu, con trai chị”.
Cô giáo còn cho biết con trai tôi đã tâm sự rất nhiều với cô, kể cả chi tiết về việc bị mẹ mắng trước mặt bạn bè vì đi chơi, để mẹ gọi điện thoại nóng máy mà không bấm nghe. Con xấu hổ với bạn bè, cảm thấy mình bị mẹ quản thúc như một đứa trẻ. Thế nên sau lần bị mẹ quở trách trước mặt các bạn, con tôi đã rút kinh nghiệm và có cách đối phó. Mỗi khi mẹ gọi điện, con đều nói trống không để các bạn không nghĩ đó là mẹ gọi...
Nghe cô kể, tôi ngớ người ra vì không thể đoán được tâm lý thay đổi của con trai, mà bấy lâu nay tôi chỉ cho là vớ vẩn, bày đặt, trẻ con...
“Cái tuổi này nhiều khi cần có chút sĩ diện chị ạ”, tôi nghe từng lời cô nói mà chua xót. Sao tôi có thể vô tâm đến như thế?
Rồi cô giáo kể về bài học từ hai năm trước, đã xảy ra chuyện không hay với một học sinh nữ trong lớp do cô chủ nhiệm nên cô không thể để những đáng tiếc như vậy lặp lại. Cô nhẹ nhàng nói tiếp: “Em phải tạo cơ hội để học trò nói lên được những thắc mắc của mình, rồi sau đó phản ánh kịp thời với phụ huynh. Ở độ tuổi này có nhiều em rất sợ bị bạn bè nhìn thấy mình như một đứa trẻ con vẫn được cha mẹ chăm từng chút một, nên không dám nhờ mẹ đưa đón đi học. Rồi có em đang ngồi nói chuyện với đám bạn nên rất ngại khi bị mẹ gọi điện đúng lúc ấy vặn vẹo này nọ như đang làm gì, với ai, ăn gì để mẹ nấu nên phải giả vờ là đứa em gọi...”.
Hơn hai tiếng đồng hồ ngồi trò chuyện với cô giáo của con, tôi nhận ra mình còn nhiều thiếu sót. Cảm ơn cô đã lắng nghe tâm sự của học trò, tạo cơ hội cho người làm mẹ như tôi được sửa sai trong việc thấu hiểu tâm lý thay đổi của con, để giúp con ở tuổi dậy thì không còn nhiều bỡ ngỡ...
2492
10-06-2015