Sinh viên ỷ lại, thiếu kỹ năng giao tiếp và... ỳ

 

TTO - Là những người được coi là tri thức trẻ trong thời hội nhập, thế nhưng nhiều sinh viên Việt Nam vẫn đang vướng phải những hạn chế cố hữu. 

Tranh minh họa: Vũ Đình Giang

Có thể liệt kê: ỷ lại, thiếu kỹ năng giao tiếp cũng như sức ỳ bản thân quá lớn… Và như vậy thật khó có thể phát huy tối đa khả năng của mình.

Hạn chế giao tiếp từ mạng đến đời

Cùng với hoạt động đổi mới phương pháp giảng dạy, khi lên bậc đại học nhiều giáo viên yêu cầu sinh viên thực hiện bài tập nhóm và gửi thư điện tử cho giảng viên để đánh giá.

Thế nhưng, nhiều giảng viên đã không khỏi “choáng váng” vì nhận một bức thư điện tử trắng trơn không lời chào hỏi, không có phần giới thiệu bản thân cũng như cách trình bày một bức thư cụ thể mà chỉ có duy nhất tệp tin đính kèm.

Giảng viên Ngọc Linh (Trường ĐH Tài chính - marketing) cho biết: “Thỉnh thoảng khi nhận được email mà có nội dung không phù hợp hoặc thiếu kỹ năng trình bày, tôi ít khi trả lời vấn đề mà sinh viên hỏi, thay vào đó tôi hướng dẫn các em cách viết thư, cụ thể là giới thiệu mình là ai, mục đích viết thư này làm gì, cảm ơn người nhận và những nội dung chính hơn là chấp nhận dễ dãi bỏ qua. Chỉ khi nào các em hoàn thành, tôi mới trả lời những thắc mắc về chuyên môn hoặc chấp nhận nộp bài nhóm”.

Đứng dưới góc độ doanh nghiệp - những người tuyển dụng tương lai thì việc thiếu kỹ năng viết thư cũng là một phần hạn chế trong việc thể hiện bản thân. Nhiều đơn vị tuyển dụng cho biết hầu hết sinh viên gửi một bức thư hoặc gọi điện thoại đến đơn vị mà nói năng rất cộc lốc, thư viết sai chính tả, cấu trúc ngữ pháp khiến doanh nghiệp “trừ điểm” khi đưa ra quyết định tuyển dụng.

Bà Lê Ngọc Trâm Anh (chuyên viên tư vấn luật Hãng luật Lê & Trần) cho biết: “Theo tôi, kỹ năng viết thư xin việc là rất quan trọng vì hiện công ty của tôi nhận rất nhiều hồ sơ xin thực tập, đôi khi nhận một bức thư cẩu thả như vậy thì điều đầu tiên là thái độ của ứng viên không có chỉn chu và đầu tư. Từ đó, nhà tuyển dụng cũng có thể đánh giá thái độ sau này của ứng viên. Với tôi, giao tiếp dù thể hiện ở hình thức nào, ngôn ngữ hay hình thể, ngôn ngữ nói hay ngôn ngữ viết đều quan trọng nhất đối với một ứng cử viên, đặc biệt là sinh viên xin việc”.

Tâm lý ỷ lại và thiếu sự đột phá

Rõ ràng trong bối cảnh toàn cầu hóa, sinh viên hoàn toàn có thể chủ động tìm kiếm những phương pháp học tập mới cũng như những cơ hội cho riêng mình. Thay vào đó, các bạn đòi hỏi quá nhiều từ phía nhà trường, phía các đoàn thể mà chưa thật sự dấn thân vào để tìm hiểu những ý tưởng đột phá riêng.

“Trên các trang Confessions (dạng chia sẻ giấu tên mang tính thú nhận) ở mạng xã hội Facebook, hầu hết các bạn sinh viên đều bày tỏ bức xúc việc này, không hài lòng việc kia, thế nhưng lại không có nhiều sinh viên bày tỏ quan điểm với ban giám hiệu nhà trường. Đó cũng chính là một phần thói quen ỷ lại vào sự quản lý của trường hoặc cũng có bạn đòi phải có nhiều hơn chương trình hướng nghiệp, mà các bạn quên mất rằng trong thời đại này thì việc tự đi trải nghiệm và khám phá mới tạo ra giá trị bản thân”, bạn Quách Minh Giang (sinh viên Trường đại học Công nghiệp TP.HCM) cho biết.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin đôi lúc sinh viên Việt Nam lại tụt hậu hơn bao giờ hết. Một ví dụ, với phần mềm Powerpoint được sử dụng thuyết trình, vốn được các bạn sinh viên ưa chuộng, thì nay đã có những ứng dụng mới trên thế giới đưa vào để tăng hiệu ứng như prezi.

Nhiều người nói đùa rằng prezi là ứng dụng mà để không có khán giả nào có thể ngủ gật trước những trình chiếu đẹp mắt.

Thế nhưng, có đến 80% sinh viên Việt Nam vẫn đang sử dụng powerpoint như một thói quen mà đôi lúc giảng viên yêu cầu tiếp cận phương án mới vẫn chưa thật sự sẵn sàng. 

Sẽ là hơi phiến diện khi đánh giá các mặt tiêu cực của sinh viên Việt Nam, thế nhưng trong bối cảnh cạnh tranh về nguồn lực lao động giữa các nước trong khu vực thì việc sở hữu những kỹ năng cơ bản và phát huy tính chủ động sẽ là lợi thế để hội nhập.

Khi ngôn ngữ và chuyên môn trở thành những yếu tố hiển nhiên thì kỹ năng giao tiếp, sự chủ động trong công việc chính là chìa khóa để sinh viên có thể “ghi điểm” trong mắt nhà tuyển dụng và rèn luyện giá trị bản thân mình được tốt hơn.

ĐỨC TOÀN

 (Nguồn: http://tuoitre.vn/tin/ban-doc/20141203/khi-ban-tre-y-lai-thieu-ky-nang-giao-tiep/679656.html)

2331

GÓC SINH VIÊN

Hội nhập vào năm nhất đại học (24-10-2015)

Trưởng thành từ trại thực nghiệm (12-07-2015)

Những chuyện không đẹp của sinh viên (06-12-2014)

57% sinh viên sư phạm không biết kềm chế cơn giận (26-08-2012)

Những kỹ năng sinh viên Việt Nam cần biết (26-04-2012)